Man is imperfect. Con người là bất toàn.
Đây là câu châm ngôn của trường phái Alfred Adler của chúng tôi. Họ không bao giờ lên án, nhưng luôn khuyến khích chúng tôi: không có gì phải mặc cảm, không có gì phải lo sợ, không có gì phải e ngại, không có gì phải xấu hổ, không có gì phải chán nản, không có gì phải thất vọng khi thấy chúng ta lầm lỗi, vì chúng ta còn là con người chưa phải thần thánh. Điều quan trọng không phải là lỗi lầm, nhưng là sau lầm lỗi chúng ta có biết chổi dậy và lên đường trở về nhà Cha hay không?
Khi nói đến những người lãnh đạo, thường chúng ta nghĩ ngay đến những con người cao siêu, thánh thiện, tài ba, lỗi lạc, ít có người nghĩ đến những con người cũng mang những yếu hèn của một kiếp người như chúng ta để cảm thông, để nâng đỡ và nhất là để thêm lời cầu nguyện cho họ. Bài viết nầy tôi muốn chia xẻ với quí anh chị em về khía cạnh đó, một khía cạnh rất thực tế, một khía cạnh rất là người của bất cứ một con người nào, dù là một con người rất thánh thiện và tài ba như vua thánh Đavit chẳng hạn, cũng đã có lúc trót lỗi lầm, để chúng ta biết rõ thân phận của kiếp người chúng ta và học ở đó một bài học khiêm tốn và thông cảm.
Hãy trở lại với câu chuyện vua thánh Đavit. Một buổi chiều kia, một buổi chiều đẹp trời, Đavit chổi dậy và đi bách bộ trên sân thượng, ông thấy một người đàn bà đang tắm. Người đàn bà ấy rất đẹp và ông đã bị quyến rũ.
Sau giấc ngủ, Đavit đi bách bộ trên sân thượng nhà vua, việc đó không có gì sai trái cả, nhưng chính sự chán nản, chính khi tâm hồn xuống dốc cho thấy sức mạnh của sự dữ trong mỗi con người chúng ta. Sự dữ là một phần của con người. Nó nằm sẵn trong chúng ta và chỉ cần một sự khơi nhẹ cũng đủ để làm nó lộ diện.
Từ ngày hôm đó, Đavit âm thầm cho người điều tra về người đàn bà ấy và được biết bà ta là Bathseba, con gái Eliam, vợ của Uria. Đavit đã cho người đi đưa bà ta về và Đavit đã ngủ với bà ta.
Một con người tốt lành như Đavit nhưng chỉ trong phút chốc đã phạm tội. Thật vậy, chúng ta mang những kho tàng quí báu của chúng ta trong những chiếc bình sành, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể làm tiêu tan ngay. Blessed Claude de la Colombiere nói: “Tôi cảm thấy trong tôi khả năng của mọi tội”.
Quả thế, trong bản tính con người yếu hèn của chúng ta, nhất là trong những lúc buồn phiền, chán nản, thất vọng hay những lúc chúng ta bất hòa, giận dữ người khác, chúng ta có thể liều mình dám làm bất cứ điều gì ngay cả những tội tầy đình mà chúng ta không bao giờ dám nghĩ đến trước đây. Đó cũng là trường hợp vừa xảy ra ngay tại cung điện Roma. Một người lính vệ binh của Đức giáo hoàng vì quá tức giận trong phút chốc đã rút súng bắn chết ngay cả hai vợ chồng của viên đại tá, vị chỉ huy trưởng của anh ta, và sau đó anh ta cũng dùng ngay chính khẩu súng đó để tự sát.
Quả thật, may mắn cho chúng ta nếu chúng ta biết nhận thức ra được những điều đó. Ít ra nó cũng ngăn ngừa chúng ta khỏi bị khủng hoảng bỡi những điều xâu mà chúng ta thấy nơi những người khác. Chúng ta không thể biết được lúc nào nó có thể xảy ra cho chúng ta.
Tiến trình của sự dữ luôn là một tiến trình chậm, nhưng nó vẫn luôn hoạt động. Nó thường bắt đầu với một yếu điểm vô tội. Đó có thể là một sự tò mò, một hiếu kỳ của con người mà ai trong chúng ta cũng đều có. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cái yếu điểm ấy đã phát triển một cách nhanh chóng, trở thành một tội ác, một kẻ giết người ở cuối câu chuyện của Davit: Uria đã bị giết chết bỡi mưu đồ của Đavit.
Đây là cách thế mà sự dữ thường phát triển trong mỗi con người chúng ta. Nó bắt đầu không có gì là quan trọng, không có gì đáng quan tâm. Nó quá tầm thường đến độ không ai để ý, chẳng hạn như tôi nói láo, đó có thể là một điều nhỏ. Nhưng đã một lần tôi nói láo, tôi phải nói một lần nữa để người ta tin. Không bao lâu tôi đã rơi vào tình trạng một kẻ chuyên môn nói láo. Lấy một ví dụ: một người muốn lập công với cấp trên của mình để có được một chỗ đứng quan trọng trong cộng đồng như lòng mong ước. Một hôm anh đến thưa với cấp trên rằng:
Anh Nguyễn văn A đang âm mưu tìm cách tẩy chay ngài để chiếm địa vị của ngài.
Thế là anh được hỏi: Anh biết Nguyễn văn A đang âm mưu thế nào ?
Vì đã trót nói láo nên phải nói láo luôn để họ tin:
- Anh ta đã triệu tập những người chống đối ngài.
- Ở đâu ? Ở đường Charles, số nhà 100, nhà ông David Nguyễn.
- Gồm những ai ? - Gồm ông Peter Trịnh, bà Anna Lê , ông Joseph Nguyễn..
- Vào ngày nào ? - Ngày 26/11/97 lúc 10:00am, vào chính lúc ngài cho ra mắt tập sách của ngài.
- Khi nào thì họ ra tay hành động ? - Vào tháng sau. Họ tính làm gấp nên chúng ta phải hành động trước họ, càng sớm càng tốt, không được chậm trễ. Tuyệt đối là ngài phải giữ bí mật, nếu để lộ bí mật thì nguy to cho ngài và cho cả chúng tôi nữa vì tất cả dân chúng đều nghe theo lời anh ta.
Và nếu vị lãnh đạo ấy thiếu khôn ngoan, sáng suốt thì chắc chắn anh Nguyễn văn A sẽ phải đền tội đủ. Có ai biết cho rằng đó chỉ là một sự giàu óc tưởng tượng của những con người chuyên môn nói láo.
Cũng vậy, một người không đi học nhưng muốn khoe khoang là một người có học, bị người bạn hỏi thăm: Anh đang làm gì ? Có còn đi học không ? Vì không dám trả lời rằng không, nên nói có. Thế rồi, người bạn hỏi tiếp: Anh đang theo học trường nào ? Đã lỡ nói láo nên phải nói láo luôn: trường U of M (university of Minnesota) –Học môn gì ? –Computer science –Lấy mấy lớp ? Lấy 4 lớp …và cứ như thế đến vô tận.
Một ví dụ khác là ly dị. Ly dị không phải là mới xảy ra bây giờ. Nó đã có lâu đời trong lịch sử. Nó có thể bắt đầu với cảm giác chán chường. Có lẽ người chồng có cảm giác sợ hãi mình trở nên già và đã phóng sự sợ ấy lên người vợ. Sự lo âu sợ hãi của anh làm anh ta buồn chán và bắt đầu mất đi sự thích thú với vợ mình. Những cảm giác đó làm việc trong vô thức để rồi dần dần khiến anh xa dần vợ anh. Anh ta bắt đầu thích đi tìm một người đàn bà khác, một cái gì mới mẻ hơn. Vì thế, khi có dịp may đến, dĩ nhiên anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội để làm quen, để gây mối tình thân thiện, hay để nối lại mối tình xưa nghĩa cũ đối với những bạn bè ngày xưa. Chẳng hạn, vào một ngày cuối tuần nào đó, có thể tình cờ gặp lại một người bạn cũ, chắc chắn anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội tốt để ngỏ ý mời cô bạn đi ăn tối và cùng nhau đi xem phim cuối tuần. Và dĩ nhiên cô bạn cũng sẽ vui vẻ đáp lại lời mời của anh. Từ đó, hai người có dịp gặp gỡ trở lại và dần dần họ trở thành thân mật với nhau hơn trước. Sau một thời gian, họ thấy rằng họ đang trên con đường nguy hiểm, nhưng họ nói với nhau: “Chúng ta sẽ xếp đặt. Chúng ta sẽ có giới hạn. Chúng ta chỉ là những người bạn tốt của nhau”. Họ thật là điên cuồng bỡi lẽ lý luận của con tim thì khác với lý luận của lý trí và cảm xúc của con người thì khó có thể giới hạn được. Dĩ nhiên là ở cuối chặng đường, họ sẽ tìm cách để có thể đi đến quyết định ly dị hôn nhân của họ để họ có thể lấy nhau và chung sống với nhau.
Thật vậy, sự dữ bắt đầu với một yếu tố hết sức tầm thường, tầm thường đến độ không một ai có thể ngờ được nên chẳng mấy ai đề phòng. Như mọi sự sống, sự dữ bắt đầu với một hạt giống, nó đâm chồi đâm rễ và mọc lên. Hãy xem trong câu chuyện Đavit, sự dữ tiến hành thế nào ? Người đàn bà mang thai và đưa tin cho Đavit. Đavit sau khi nghe biết sự việc, đã tìm cách che giấu tội mình. Một điều mà ông ta hết sức quan tâm đó là cứu bộ mặt của ông. Ông ta không muốn nhận tội mình và vì thế ngày càng lún sâu vào vũng lầy của sự dữ. Từ nay mọi quyền lực của ngai vàng đều được xử dụng cho mục đích nầy là: bảo vệ danh dự của ông. Không có lý do nào để Đavit ra lệnh cho Uria rời bỏ chiến trường về hoàng cung và rồi cho về nhà để ngủ với vợ trong lúc chiến trường đang gay cấn. Nhưng không may cho Đavit, Uria đã không về nhà nhưng ngủ lại hoàng cung, và như thế mưu đồ của Đavit thất bại. Đavit thấy mình thất bại, vội vàng xoay sang thủ đoạn khác. Ông tìm cách để cho Uria được đẩy ra ngoài địa đầu chiến tuyến, chỗ nguy hiểm nhất để Uria bị giết chết. Lần nầy thì mưu đồ của ông đã thành công. Ông đã làm công việc đó để cứu sỉ diện của ông. Nhưng điều đó không đúng chút nào lại còn mang thêm một trọng tội khác.
Sau khi Đavit đã được sứ giả cho biết Uria đã bị giết chết, Đavit đã đổi ngay thái độ. Ông không còn hay nổi trận lôi đình nữa, cũng không còn hay gắt gỏng, cau có, nóng giận, khó tính và lo sợ nữa. Ông xem ra trầm tĩnh hơn, bỡi lẽ bây giờ ông có thể lấy Bathseba làm thiếp mà không còn phải sợ mất sỉ diện nữa.
Chính việc nầy, chính việc che dấu tội của Đavit còn xấu hơn gấp trăm ngàn lần tội mà ông đã phạm với bà Bathseba. Nếu ông đã xưng thú, đã nhận lỗi, điều đó không đến nỗi quá xấu. Tội ác tầy đình bắt đầu khi ông cố gắng che dấu tội mình. Vì thế, Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến nói cho ông dụ ngôn nầy:
Trong một thành kia có hai người, một người giàu và một người nghèo. Người giàu thì có vô số chiên lừa, còn người nghèo chỉ có một con làm gia sản. Một ngày kia, người giàu, có khách đến thăm. Ông không muốn giết chiên mình để đãi khách mà đi bắt con chiên của người nghèo giết đi mà đãi khách. Đavit nghe đến đó thì nỗi trận lôi đình lên và phán bảo: “Người đó đáng chết!” Lương tâm của Đavit tốt đối với việc quan tâm đến người khác. Ông ta thấy rõ ràng rằng người giàu đã làm một việc bất công và ông không chấp nhận điều đó. Nhưng ông đâu có biết rằng chính ông cũng đã làm như vậy. Đavit đã sống trong sự yên hàn bấp bênh của lương tâm bằng việc dấn thân cho một thế giới bên ngoài.
Trong khi lên án tố cáo người khác, con người không còn năng lực nào còn lại để đối diện và nhận ra lỗi mình. Sự nhiệt thành cũa Đavit đối với công việc bên ngoài là một sự chạy trốn. Cái tội mà Đavit lên án nơi người giàu là một tội đáng phạt. Tuy nhiên, lòng đam mê công lý của Đavit cho thấy sự bất công quá đáng nơi chính ông ta. Sự sốt sắng cải thiện và sự dấn thân phục vụ để tác động những người khác quả thật có thể đó là một sự che lấp tinh vi của một sự sợ sệt và tội lỗi cá nhân.
Các nhà tâm lý học cho chúng ta thấy rằng qua những đam mê hoạt động của chúng ta, chúng ta cố gắng dập tắt cái cảm giác sợ sệt và tội lỗi để làm chúng ta trở nên có giá trị hơn dưới con mắt người khác bằng những công việc hoạt động. Chính những hoạt động đó có thể làm chúng ta trở thành những con người hết sức hấp dẫn mà rất ít người có thể nhận ra có một sự chạy trốn nào đó ở đàng sau bộ mặt hấp dẫn đó. Và đây chính là trường hợp của Đavit. Nhưng Thiên Chúa có muôn ngàn cách thế để cảnh tĩnh những con người Ngài muốn tuyển chọn. Ngài đã sai tiên tri Nathan đến cảnh cáo Đavit: “Chính ngươi là người nhà giàu mà ngươi đã lên án đó!” Từ bấy giờ, Đavit bắt đầu mở bừng mắt ra và ông đã thú nhận những tội lỗi mình.
Lời Chúa là một cái gì sống động và hữu hiệu. Lời đó được nói với Đavit qua một người khác. Đavit cần một người trung gian để đưa ông đến việc chấp nhận và xưng thú tội mình: “Tôi đã phạm tội chống lại Giavê”.
Bao lâu chúng ta còn che dấu lỗi mình, bấy lâu chúng ta còn cảm thấy mình không được đón nhận. Khi chúng ta thật sự chấp nhận sự đón nhận của Thiên Chúa và tin rằng sự đón nhận của Ngài là vô giới hạn, bấy giờ chúng ta mới có thể xưng thú tội mình. Việc chúng ta dấu tội là một dấu chỉ cho thấy chúng ta không hoàn toàn tin vào tình yêu Thiên Chúa. Nó nói lên một sự thiếu kém lòng tin. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp những người không biết chấp nhận lỗi mình, không bao giờ biết nói lên lời xin lỗi, họ là những con người đáng được thương hại vì họ là những con người đau khổ hơn cả bỡi sự bất an của tâm hồn họ. Sự an bình không tìm được trong sự che dấu nhưng trong sự tha thứ. Bấy giờ sự tha thứ mặc khải cho họ một chiều sâu mới trong tình yêu Thiên Chúa. Trong giây phút tha thứ, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài lớn lao hơn những lầm lỗi của chúng ta và sự chấp nhận của Ngài là vô điều kiện. Sự tha thứ tạo nên một mối giây liên hệ mới giữa con người và Thiên Chúa. Chỉ có những con người có sự can đảm dám xưng thú tội mình mới có thể thật sự chấp nhận chính mình và tìm thấy được sự an bình mà thế gian không thể ban cho và lấy đi được.
Lm. Lê Văn Quảng