Khích lệ thì cần hơn những chuyện khác trong công việc giáo dục con cái của chúng ta. Nó quan trọng đến nỗi nếu thiếu điều đó sẽ làm cho con trẻ hành động sai lầm. Một đứa trẻ có hành động sai lầm là một đứa trẻ không được khích lệ. Đứa trẻ cần có sự khích lệ liên tục như một cây cần nước. Nó không thể lớn lên và phát triển mà không có sự khích lệ. Tuy nhiên, những kỷ thuật giáo dục con trẻ mà chúng ta dùng ngày hôm nay cho thấy hàng loạt những kinh nghiệm thiếu khích lệ.
Đối với một đứa trẻ, những người lớn thì xem ra quá lớn, quá oai vệ, và có quá nhiều khả năng, còn nó thì xem ra quá nhỏ bé, nên sự khích lệ giúp cho đứa trẻ không đầu hàng khi phải đối diện với những ấn tượng nầy; và thật tuyệt vời nếu đưá trẻ có được sự can đảm đó. Nếu chúng ta được đặt vào trường hợp sống giữa những người khổng lồ thì chúng ta cũng sẽ đầu hàng như những đứa trẻ của chúng ta vậy.
Trẻ con đáp ứng những hoàn cảnh khó khăn với ước muốn học được những khéo léo và muốn thắng vượt cảm giác mình bé nhỏ và bất lực. Chúng muốn là một phần tử của gia đình. Tuy nhiên, trong cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng, chúng lại gặp phải thiếu sự khích lệ. Những cách giáo dục như thế, thường chỉ gây thêm sự thất đảm cho con trẻ.
Kim Hồng, 4 tuổi, đang đứng bên cạnh mẹ trong bếp, nhìn mẹ đang thu xếp những thực phẩm. Mẹ nó lấy cái hộp đựng trứng trong tủ lạnh ra và đặt trên bàn. Bà lấy hộp trứng ra khỏi túi đồ. Kim Hồng vói tay lấy hộp đựng trứng và muốn lấy trứng xếp vào hộp đựng trứng. Bà mẹ kêu lên: “Kim Hồng! không được, con sẽ làm vỡ trứng. Để đó cho mẹ. Hãy đợi đến khi con lớn đã”.
Bà mẹ đã vô tình làm cho em bé mất đi sự can đảm. Bà đã gây cho nó một ấn tượng là nó quá nhỏ. Điều đó có ảnh hưởng không tốt đối với quan niệm về chính nó. Bà có biết rằng ngay cả đứa bé 2 tuổi cũng có thể xếp được những cái trứng một cách thận trọng không? Chúng ta đã từng thấy một đứa trẻ nhặt từng chiếc trứng đặt vào trong chiếc hộp đựng trứng một cách tốt đẹp chưa? Và nó đã tỏ ra rất vinh dự khi đã làm được điều đó. Cả bà mẹ cũng vui mừng biết bao khi thấy con mình làm được như thế.
Cu bé Thành đang mặc bộ đồ mùa đông để đi ra chợ với mẹ nó. “Lại đây, Thành, mẹ mặc cho con. Con làm chậm quá”.
Bà mẹ đã cho cậu bé một cảm giác là không đủ khả năng để làm mọi việc nhanh chóng. Bị làm thất đảm, cậu bé đầu hàng và đã để mẹ nó mặc quần áo cho nó.
Trong ngàn vạn cách, bằng giọng nói hay bằng hành động, chúng ta chứng tỏ cho đứa trẻ thấy rằng chúng ta coi nó chưa có khả năng, nói chung là còn vụng về, ngơ ngáo. Để đối phó với những quan niệm đó, nó cố gắng làm một cái gì nổi bậc để gây ấn tượng và tìm một chỗ đứng.
Thay vì cho phép con trẻ thử tài của chúng trong trăm ngàn cách khác nhau, chúng ta thường đối xử với chúng với đầy những thành kiến, luôn nghi ngờ khả năng của chúng, hoặc thẩm định giá trị chúng bằng cách thiết lập những tiêu chuẩn cho những trình độ tuổi khác nhau mà qua đó những đứa trẻ được tin tưởng là có thể làm được.
Khi một đứa bé 2 tuổi rưỡi muốn giúp dọn bàn, chúng ta lập tức chụp lấy ngay cái đĩa khỏi tay nó và nói: “Con ơi, không được, con sẽ làm bể nó”. Để cứu lấy một cái đĩa, chúng ta sẵn sàng làm tan vỡ niềm tự tin của đứa bé vào khả năng mới chớm nở của nó. Chúng ta ngăn cản những cố gắng khám phá khả năng và sức mạnh của đứa bé. Đứa bé mang giầy, chúng ta bảo là nó mang lộn chân. Lần đầu tiên nó muốn tự cầm muổng để ăn, nó làm lem luốc mặt mày, quần áo, bàn ghế. Chúng ta rầy la, lấy muổng khỏi tay nó, và cho nó ăn. Dần dần chúng ta làm mất đi những cố gắng đi tìm cho mình một chỗ đứng qua những công việc làm của nó.
Thay vì khích lệ, chúng ta làm con cái chúng ta thất đảm mà chúng ta không biết. Chúng ta thiếu niềm tin vào khả năng của đứa trẻ. Chúng ta nghĩ rằng bây giờ nó còn quá bé để làm những công việc đó, mai ngày nó lớn, nó tự động sẽ làm được những công việc như thế. Nhưng chúng ta đã lầm, mọi sự đều cần phải học hỏi.
Khi một đứa bé làm điều gì sai lỗi hay không hoàn thành được một công việc nào đó, chúng ta phải tránh nói hoặc hành động tỏ cho nó thấy rằng nó là một sự thất bại. Chúng ta cần tách rời hành động ra khỏi con người hành động. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng rằng mỗi lần thất bại là chỉ vì thiếu sự khéo léo nên không ảnh hưởng gì đến giá trị con người. Cần can đảm mỗi khi chúng ta gặp phải thất bại và không nên mang mặc cảm nào cả. Hãy nhớ rằng con người là bất toàn và lỗi lầm thì không thể nào tránh khỏi.
Một nửa của việc khích lệ một đứa bé là tránh làm cho nó thất đảm bỡi việc bảo vệ thái quá hoặc rầy la nó thái quá. Bất cứ việc gì ta làm tỏ ra thiếu tin tưởng vào đứa bé thì đó là làm cho nó thất đảm. Một nửa khác là biết cách khích lệ nó. Bất cứ khi nào chúng ta hành đông để nâng đỡ một đứa bé biết can đảm và tự tin thì đó là lúc chúng ta khuyến khích nó. Không có một câu trả lời nào rõ ràng cho vấn đề đó. Nó liên quan đến quan niệm và sự học hỏi của cha mẹ về vấn đề giáo dục. Chúng ta phải biết quan sát kết quả của chương trình giáo dục và tự hỏi: phương cách mà chúng ta đang dùng có giúp ích gì cho việc giáo dục con cái chúng ta không?
Hành động của đứa bé muốn nói cho chúng ta biết sự lượng định giá trị của nó về chính nó. Một đứa bé nghi ngờ về khả năng của nó hoặc giá trị của nó, chúng ta có thể thấy được qua cách thế: nó không còn muốn làm, không còn muốn tham dự, hoặc góp phần vào những công việc như thế nữa. Trong cơn thất đảm, nó quay sang khuấy động hoặc hành động một cách vô tích sự. Nó nghĩ rằng nó bất tài và không thể đóng góp gì, nên phải làm một cái gì ít ra cũng gây được sự chú ý bằng cách nầy hay cách khác. Thà rằng bị phết vào đít còn hơn là không được ai biết đến. Bị xem là đứa trẻ hư còn hơn là không được chú ý. Một đứa trẻ như vậy luôn có ấn tượng rằng không còn chút hy vọng nào để chiếm được một chỗ đứng qua hành động cộng tác.
Khích lệ là một tiến trình liên tục có mục đích tạo cho đứa trẻ có một cảm giác biết tự trọng và hoàn thành công việc. Từ thuở ấu thời nó cần sự giúp đỡ để tìm được một chỗ đứng qua việc hoàn thành một số những công việc.
(còn tiếp)
lm.lêvănquảng