Cu Luân 4 tuổi cùng với mẹ đi thăm người bạn láng giềng của mẹ. Bà nầy có đứa con gái tên Tuyền, 1 tuổi rưỡi, đang ngồi chơi với những đồ chơi của nó trong phòng coi Tivi. “Con vào chơi với em Tuyền đi, bà mẹ nói với Luân, con phải là một đứa con trai tốt, không được đánh em nhé!” Cu Luân cởi chiếc áo khoác ngoài ra và chạy vào chơi với bé Tuyền trong khi hai bà mẹ ngồi uống cà phê nói chuyện. Không bao lâu sau đó thì bé Tuyền hét rú lên và khóc. Cả hai bà mẹ đều chạy vội vào. Cu Luân đang đứng với dáng điệu thõa mãn, ôm con búp bê của bé Tuyền áp vào ngực. Bé Tuyền khóc to và trên vầng trán hiện lên một vết đỏ. Mẹ Tuyền chạy đến bế nó lên, ôm nó, và hun nó. Mẹ cu Luân chụp lấy cậu bé và quát: “Con hư. Con đã làm gì với em bé? Có phải con giành lấy con búp bê và đánh nó không? Tại sao con lại tệ như vậy? Má đánh con bây giờ”. Và bà đã phết cho nó hai phát. Cậu bé khóc rú lên. “Tôi không biết làm gì với nó, bà nói với người bạn đang ôm bé Tuyền đã hết khóc. Nó chỉ đối xử tệ với những đứa trẻ nhỏ hơn nó”.
Cậu bé thình lình nhìn mẹ khi bà ta đang cố gắng làm cho cô bé cười lên. Bé Tuyền quay mặt đi và rút vào cổ mẹ nó. “Chúng ta uống hết ly cà phê, mẹ Tuyền nói, bé nó không sao. Tôi chỉ muốn ôm nó thôi”. Mẹ Luân quay sang Luân lần nữa và nói: “Con là một đứa con hư. Thật xấu hổ cho con chỉ biết đánh những đứa trẻ nhỏ hơn con thôi. Con ngồi lại đây. Ngồi tử tế hoặc mẹ sẽ đánh con bây giờ”.
Có nhiều vấn đề cần nói đến trong biến cố nầy nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề liên quan tới việc khích lệ mà thôi. Điều trước tiên là bà mẹ đã cho cậu bé một ấn tượng, một quan niệm không mấy tốt đẹp về chính nó: “nó là một đứa con hư”. Mỗi khi chúng ta muốn lưu ý một đứa bé “hãy trở nên tốt” thì thường chúng ta bảo nó đừng làm chuyện nầy, đừng làm chuyện kia…như đừng chọc phá, đừng đánh em bé, toàn là những điều tiêu cực mà rất ít khi chúng ta nhăc nhở những đứa bé làm những điều tích cực như con hãy chơi vui vẻ, tử tế với em nhé! Thông thường thì nó không để ý, nhưng khi chúng ta bảo nó đừng làm là chúng ta nhắc nhở nó làm một cái gì đó không hay. Chính vì thế, chúng ta nên để ý đến những điều tích cực hơn. Hơn nữa, mỗi lần chúng ta quá lưu ý một đứa trẻ “hãy nên tốt” là mỗi lần nó cảm thấy: chúng ta thiếu tin tưởng vào ước muốn nên tốt của nó. Chúng ta thường không phân biệt giữa hành động của đứa bé và chính nó. Bà mẹ xem Luân như một đứa trẻ xấu. Chính cái quan niệm của bà mẹ về đứa bé đã làm cho nó có hành động như vậy vì nó không còn tin tưởng vào khả năng của nó có thể thay đổi cái nhìn của mẹ nó. Như một kết quả của những lời nói hay hành động thiếu khích lệ, trẻ con luôn nghĩ rằng người ta chỉ có chỗ đứng khi người ta chứng tỏ cái uy quyền của mình ra. Chúng ta phải nhận ra điều nầy: sở dĩ con trẻ có những hành vi sai trái, đó là kết quả của những lời nói hay hành động của chúng ta đã làm cho chúng cảm thấy bất mãn và xuống tinh thần.
Phương cách tốt nhất trong những trường hợp như thế là tránh tất cả những gì làm đứa bé thêm chán nản, vì những điều đó không có lợi gì cho nó cả. Hãy tỏ thái độ tin tưởng vào trẻ con có thể chơi chung với nhau mà không cần phải dặn dò, lo lắng gì cả. Bà mẹ có thể nói:“Mẹ ở đây và con có thể vào chơi với bé Tuyền nếu con muốn”. Một lời khích lệ như vậy cũng đủ rồi. Và nếu nó chạy ra, người mẹ có thể nói với nó rằng: “Hoặc là con chơi với bé Tuyền hoặc là con ở bên cạnh mẹ”. Nếu có sự giằng co xảy ra, người mẹ có thể yên lặng vào phòng nắm lấy tay cậu bé và nói: “Con ơi, sao hôm nay con lộn xộn quá vậy. Vì con không thích chơi nên chúng ta đành phải đi về”. Dĩ nhiên điều đó đòi hỏi người mẹ phải hy sinh cuộc thăm viếng. Nhưng với phương cách đó, người mẹ có thể dạy bảo cho đứa bé biết rằng nó có thể đến với mẹ nữa nếu nó sẵn sàng thay đổi hành vi của nó. Hoặc là người mẹ có thể để đứa bé ở lại đó với một người bà con hoặc người láng giềng một lần để nó có thể duyệt xét lại hành vi của nó.
Thật ra, nếu bà mẹ biết tránh tất cả những hành động xem ra không phù hợp với sự khích lệ, bà đã hoàn thành trên một nửa điều bà cần làm. Bà có thể coi bé Luân như một đứa bé dễ thương ngay cả hành vi của nó không được dễ thương, bà cũng nên cho nó những lời khích lệ mà không nên quá chú trọng vào hành vi sai lầm của nó. Khi bà mẹ cho nó cái quyền tự do hành xử, bà mẹ trao cho nó trách nhiệm đối với hành vi của nó và cũng muốn chỉ cho nó thấy rằng nó phải gánh chịu những hậu quả của những hành động của nó. Khi bà mẹ nói với nó rằng “Chúng ta sẽ trở lại đây vào một ngày con cảm thấy sẵn sàng”, bà mẹ biểu lộ niềm tin vào đứa bé sẽ thay đổi và sẽ trở nên tốt hơn để có thể trở lại đây chơi với cô bé.
Riêng đối với bé Tuyền thì hành động của cả hai bà mẹ xem ra không mấy thích hợp chỉ vì các bà đã quá quan tâm đến sự việc không may xảy ra cho nó. Cái đánh nhẹ vào vầng trán của cô bé không làm nó quá đau như phản ứng tức thời của các bà: vội ôm nó lên và xít xoa vào vết thương của nó. Nó sẽ học từ kinh nghiệm đó rằng nó không có thể chịu đựng nổi một chút đau đớn và nó phải được an ủi ngay tức khắc. Sự lệ thuộc vào mẹ nó được cổ võ; như thế sự can đảm và sự tự chủ của nó sẽ bị tiêu mòn. Nó sẽ dễ có cái quan niệm sai lầm về chính mình như một đứa bé cần phải lệ thuộc vào người khác để được bảo vệ. Hãy nhớ rằng cuộc sống của chúng ta thì đầy đau khổ và phiền toái. Và chúng là một phần của cuộc sống. Nếu con trẻ không học để chịu đựng được những gian khổ đó, chúng sẽ sống cách bệnh hoạn. Chúng ta không thể bảo vệ con trẻ chúng ta khỏi những bất trắc trong cuộc sống. Vì thế, cần thiết là chúng ta chuẩn bị cho chúng ngay từ bây giờ. Cảm thấy tội nghiệp là một trong những thái độ làm tổn thương nhất mà chúng ta thường ít để ý. Nó tỏ cho chúng thấy rằng chúng ta thiếu niềm tin vào chúng và vào khả năng có thể đối đầu với những nghịch cảnh của chúng.
Vì thế, ngoài việc không nên bảo vệ con trẻ một cách quá đáng, một thái độ quan trọng khác cũng cần được chú ý là: mẹ Tuyền trong những trường hợp như thế nên giúp bé học cách chấp nhận những đau đớn đó. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ xoa dịu các vết thương hay những nỗi đau buồn của con trẻ. Nếu như thế thì thật là vô tâm. Nhưng cách thế mà chúng ta dùng, có sự khác biệt, chẳng hạn như chúng ta có thể nói: “Rất tiếc là con đã bị đụng phải, nhưng nó sẽ khỏi ngay. Con cố gắng chịu đựng một chút. Mẹ biết con can đảm, cưng của mẹ”. Thay vì vội vã bồng bế nó lên ngay, bà mẹ có thể quan sát và bảo nó vết thương chỉ nhè nhẹ thôi. Bà có thể trấn an nó rằng: “Không sao đâu con, chỉ một chút bầm thôi. Không bao lâu nó sẽ hết ngay”. Những cách nói như vậy khích lệ trẻ con biết chịu đựng hơn. Sau khi đã vỗ về xong, bà mẹ có thể yên lặng giúp bé Tuyền thu xếp những đồ chơi. Và rồi, không cần chú ý nữa để cho cô bé có khoảng trống tự nó đối đầu với vấn đề của nó. Bé Tuyền là đứa bị đánh và cũng là đứa phải khuất phục không những chỉ vết thương mà còn cả bầu khí thân thiện đã bị đánh mất và ngay cả cảm giác bất an nữa. Nếu bà mẹ cho nó cơ hội và tin tưởng vào nó, nó sẽ sớm bình phục và sớm khám phá ra sự can đãm của nó cũng như khả năng có thể chịu đựng được những điều bất trắc đó.
lm.lêvănquảng
(còn tiếp)