Có được một mái ấm gia đình hạnh phúc là một điều ai cũng ước mơ. Rất nhiều người thành công trên con đường công danh sự nghiệp, danh vọng tiền bạc dư đầy nhưng lại thất bại trong đời sống hôn nhân, đã khiến cho cuộc sống của họ trở thành bất hạnh. Quả thật, đó là một điều đáng tiếc vì nếu họ có được một gia đình đầm ấm bên cạnh những giàu sang phú quí và danh vọng tràn đầy như họ đang có thì quả thật còn gì lý tưởng hơn. Nhưng không, họ đã không có được cái may mắn đó. Vậy đâu là lý do? Và làm thế nào để có được một gia đình êm ấm?
Có rất nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều phương cách khác nhau. Nhưng ở đây tôi chỉ xin trình bãy một vài nguyên tắc thiết thực mà chúng ta cần nên biết để áp dụng nếu chúng ta muốn có được một gia đình lý tưởng như chúng ta ước mơ.
Sự Bình Đẳng Trong Tương Quan Vợ Chồng.
Chúng ta đang sống trong một đất nước tự do và dân chủ. Chúng ta cần phải thích nghi với sự tự do và dân chủ của xã hội chúng ta đang sống. Tất nhiên, điều đó không phải dễ, nhất là khi chúng ta càng đi gần đến sự bình đẳng thì những xung đột và căng thẳng càng trở nên rõ rệt. Chúng ta cảm thấy khó sống một cách bình đẳng với những đồng bạn chúng ta vì những đặc tính tương quan kẻ trên người dưới của xã hội phong kiến vẫn còn ăn sâu trong con người, trong tư tưởng, cũng như trong quan niệm của chúng ta.
Trong xã hội phong kiến, những gia chủ cũng như những vị lãnh đạo xã hội cố gắng áp đặt ý muốn của mình lên trên người khác. Trong xã hội dân chủ, điều đó không còn mang lại những kết quả lâu bền nữa. Người chồng không còn có thể áp đặt luật cho vợ. Cha mẹ cũng nhận thấy rằng mình không còn có một quyền hành lớn lao trên con cái như trong xã hội ngày xưa nữa. Nhưng thường thì đàn ông vẫn thích tư tưởng này là nam giới thì đồng nghĩa với sức mạnh và quyền hành, cũng như cha mẹ thường cũng thích nghĩ rằng mình có quyền điều khiển con cái theo ý muốn và lợi ích của mình.
Trên bình diện xã hội, những tranh đấu quyền hành như thế cũng tạo nên những xung khắc giữa chủ và thợ hay giữa giới tư bản và công nhân. Chúng ta biết rằng bất cứ ở đâu khi còn có một nhóm người nắm giữ quyền hành trên người khác, ở đó sẽ còn có đấu tranh. Dĩ nhiên, đối với những người đang được ăn trên ngồi trốc, họ không thích có sự bình đẳng bỡi lẽ chính sự bình đẳng sẽ làm mất đi rất nhiều quyền lợi của họ. Nhưng những người đang bị áp bức bao giờ cũng muốn sớm thoát ra khỏi tình trạng bi đát khốn nạn đó.
Trong xã hội phong kiến, thưởng và phạt là những phương cách để giữ được trật tự trong xã hội. Những cách thức đó rất thích hợp và có hiệu quả. Lời hứa và sự đe dọa làm cho cấp dưới sợ sệt lo tuân giữ lề luât được áp đặt trên người họ. “Hãy làm như ta bảo và sẽ được khen thưởng. Nếu ngươi bất tuân ngươi sẽ bị phạt.” Đó là luật trong xã hội phong kiến và đó cũng là truyền thống mà những người quyền thế vẫn còn muốn bám víu. Nhưng những điều đó không còn thích hợp trong xã hội dân chủ và tự do hôm nay.
Chúng ta có thể nói nguyên nhân căn bản gây ra xung khắc giữa người với người là sự bất bình đẳng giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa nhóm nầy với nhóm khác. Những xung khắc có thể tức thời được giải quyết nhưng cũng có thể vẫn còn kéo dài mãi bao lâu sự bất bình đẳng chưa được giải quyết một cách tốt đẹp. Chỉ có sự bình đẳng, nền tảng của dân chủ mới có thể mang lại cho con người sự hòa hợp và bình an cũng như mối tương quan bền vững và tốt đẹp. Điều đó quả thật rất đúng trên mọi lãnh vực: hôn nhân, gia đình, và xã hội.
Để sống bình đẳng với người bạn của mình, chúng ta không nên dùng áp lực và quyền bính nhưng chúng ta phải thay thế bằng một phương pháp mới: đó là sự cộng tác. Sự cộng tác trong một xã hội dân chủ phải đặt nền tảng trên sự quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của người khác cũng như quyền lợi của chính cá nhân mình. Đây chính là công thức cần thiết cho sự bình đẳng, và sự kính trọng lẫn nhau chính là tiền đề của nó.
Sự trọng kính quyền lợi của nhau là điều kiện tất yếu cho sự hòa hợp hòa giải tốt đẹp đối với những xung đột đang có. Tóm lại, những cố gắng hoặc tạo cho mình những quyền hành trên người khác, hoặc chủ trương đầu hàng, hoặc nhượng bộ trước những áp lực, ngày xưa có thể là những phương thức giải quyết những xung đột, bây giờ không còn thích hợp để giải quyết vấn đề nữa. Những xung khắc đó chỉ có thể được giải quyết bằng sự thõa thuận tự nguyện với nhau. Nhưng để đạt được sự thõa thuận tự nguyện đó, nó đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn trong thái đô cũng như trong tiến trình đi đến hòa giải của mỗi một người chúng ta.
Những cố gắng giải quyết vấn đề dựa trên phương cách hoặc không kính trọng người khác hoặc không kính trọng chính mình, tất cả đều là sai lầm. Cố gắng khống chế người khác ám chỉ sự không kính trọng quyền lợi và nhân phẩm của người đó, trong khi quá nhượng bộ cũng ám chỉ một sự thiếu kính trọng chính mình. Bằng sự kính trọng và cảm thông lẫn nhau, chúng ta sẵn sàng chấp nhận người khác có quyền tư tưởng theo lối riêng của họ cũng như chúng ta có lối nhìn riêng của chúng ta.
Có điều chắc chắn này là trong chế độ dân chủ thật sự không ai có thể chiếm được cùng đích của mình bằng đường lối bạo hành và áp lực. Nền tảng căn bản cho sự hòa hợp, cho sự cảm thông lẫn nhau cũng như để đạt được những giải quyết bền vững lâu dài không gì khác hơn là sự đồng thõa thuận giữa những người được xem là bình đẳng với nhau. Một số người nghĩ rằng điều đó khó có thể đạt được nhưng riêng tôi, tôi xin quả quyết rằng không những nó có thể đạt tới một sự thõa thuận mà còn có thể hoàn thành được những điều mà chúng ta thõa thuận với nhau nữa.
Phương Cách Giải Quyết Những Xung Đột Trong Cuộc Sống Hôn Nhân:
Thay Đổi Chính Con Người Mình Chứ Không Phải Thay Đổi Người Khác.
Chúng ta nên biết rằng chúng ta chỉ có thể làm thay đổi cuộc sống và thái độ của những người chung quanh chúng ta bằng cách thay đổi chính con người của chúng ta mà thôi. Nhưng điều đó không phải là dễ. Sự thăng tiến chỉ có thể có được khi sự khởi đầu nơi chính mình được nhận thức và được chấp nhận. Thông thường người ta chỉ muốn cố gắng giáo dục và sửa đổi người khác. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ bằng thái độ riêng của chúng ta, chúng ta mới có thể ảnh hưởng đến những người cùng chung sống với chúng ta. Bất cứ điều gì xảy ra trong tương quan vợ chồng cũng đều cho thấy mối tương giao của hai người phối ngẫu. Chúng ta không nên nói rằng nếu anh ấy hay chị ấy thay đổi, tôi cũng sẽ sẵn sàng thay đổi. Chúng ta nên biết rõ sự thật nầy là nếu tôi thay đổi thái độ của tôi, chắc chắn anh ấy hay chị ấy không thể tiếp tục cách sống của họ nữa. Ngay dầu chỉ một chút thay đổi trong thái độ sống của chúng ta, nó cũng sẽ ảnh hưởng tức khắc đến thái độ sống của người khác.
Nên biết rằng không ai hoàn toàn xấu cũng không ai hoàn toàn tốt cả! Cái khả năng trở nên tốt hoặc xấu đều nằm sẵn trong mỗi con người chúng ta. Chính người chồng cũng như người vợ đều có khả năng để làm cho cái tốt hoặc cái xấu của người bạn mình chổi dậy. Nhưng rồi, họ biết gì về người bạn của mình?
Cứ sự thường họ chỉ biết về những thói xấu của nhau như thích nắm quyền, thích phàn nàn, thích tiêu tiền, thích làm đẹp, thích cờ bạc, thích rượu chè, không thích làm việc…nhưng họ không biết được nguyên nhân nào đã làm cho người bạn mình có thái độ sống như vậy.
Chính việc không biết đến những quyền lợi căn bản của người khác đã làm cho họ cứ tiếp tục tranh đấu cho quyền lợi cá nhân riêng mình. Dĩ nhiên, điều mà họ nói về người khác thường thì đúng dẫu những tường thuật giữa họ xem ra là mâu thuẫn với nhau. Nhưng hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là ai sai ai đúng, vì mỗi ngưòi đều đúng dưới cái nhìn của riêng mình nhưng lại sai dưới cái nhìn của đối phương. Nếu chúng ta yêu một người nào chúng ta sẽ không hỏi người đó đúng hay sai. Đó là lý do tại sao người ta thường nói yêu là mù quáng. Nhưng tình yêu thì không mù quáng. Chúng ta thường nói: anh yêu em dẫu em có bất toàn. Điều đó có nghĩa là anh yêu em và chấp nhận em dẫu em có là gì đi nữa, dẫu em đẹp hay em không đẹp, em tốt hay em xấu anh vẫn yêu em. Nhưng sau đó, khi quyền lợi của chúng ta bị đe dọa, chúng ta không thích chấp nhận nhau như trước nữa. Trái lại, để tranh đấu cho ưu thế của chúng ta, chúng ta thường đi tìm những lỗi lầm nơi người bạn chúng ta và dùng những cái đó như những lý do chính đáng để chấm dứt sự cộng tác của chúng ta. Hãy nhớ rằng đối với sự hạnh phúc của hôn nhân, câu hỏi sai hay đúng không phải là quan trọng nhưng biết chấp nhận cái xấu cũng như cái tốt của người khác mới là quan trọng. Chúng ta cần nhớ rõ điều đó khi có sự bất đồng ý kiến hoặc sự chán nản đang đe dọa đời sống hôn nhân của chúng ta.
Bước đầu tiên cũng như điều kiện trước tiên cho mọi cuộc thăng tiến là chấp nhận tình trạng hiện đang có. Cần phải đối diện vấn đề một cách can đảm là điều kiện thiết yếu cần có trước nhất để có một lối thoát cho vấn đề đang gặp phải. Điều đó dĩ nhiên không phải là dễ. Nhưng chạy trốn thực tại thì không phãi là cách thế thực tế. Không có vấn đề nào được giải quyết bằng cách thế đó. Một khi chúng ta đã quyết đối diện vấn đề là chúng ta đang đi đúng đường.
Thắng vượt được cảm giác đầu hàng, loại bỏ được ảo giác chúng ta có thể thành công bằng một cuộc chiến, và biết rằng người khác cũng đau khổ như chúng ta đang đau khổ, những tư tưởng đó sẽ giúp chúng ta tìm ra được những giải pháp tốt đẹp cho chính chúng ta. Tuy chậm nhưng với sự can đảm gia tăng, chính sự tự tin sẽ làm cho chúng ta ít bị thương tổn và giúp chúng ta ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp hơn.
Mẫu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta ít nhiều kinh nghiệm trong việc đối đầu với những lủng củng, lục đục của chúng ta trong đời sống hôn nhân. Những lủng củng đó có thể được loại bỏ hoặc giải quyết một cách dễ dàng nếu hai người phối ngẫu hiểu được những động lực sâu xa đang tiềm ẩn đằng sau những biến chứng đang xảy ra. Một khi họ nhận thức được tất cả những nguyên nhân đó, họ sẽ không còn giận dữ và lên án nhau nữa. Trái lại, họ cố gắng đi tìm những cách thế để thay đổi tình huống một cách tốt đẹp.
Chị Anna Nguyễn là một người đàn bà Việt Nam. Chị có một vấn đề xem ra không có gì là quan trọng, nhưng đang đe dọa đời sống hôn nhân của chị. Chị lấy chồng được một năm và xem ra rất hài hòa trong đời sống vợ chồng cũng như trên bình diện xã hội. Nói chung, vợ chồng chị sống vui vẻ với nhau ngoại trừ một vấn đề bất ổn nho nhỏ dần dần đã làm cho cuộc hôn nhân của họ mất đi hòa khí và trở thành nặng nề.
Chị ta cho biết rằng dầu chị đã cố gắng hết sức, chị cũng không thể làm cách nào để chồng chị trao tiền cho chị mua thức ăn cũng như trang trải những chi phí khác đúng thời hạn. Chị ta cứ phải hỏi tiền mỗi tuần nhiều lần. Nếu chị ta không hỏi, anh ta quên đưa tiền cho chị cho tới khi tuần đó qua đi. Chị có đem chuyện đó ra nói với anh ta, rồi còn năn nỉ và hăm dọa anh ta nữa nhưng tất cả đều vô ích. Chị càng gây lộn với anh thì anh càng ít đưa tiền cho chị. Vậy chị ta nên phải làm gì? Bây giờ thì anh ta bắt đầu tố cáo chị tiêu tiền quá nhiều. Chị ta phải làm gì để tránh chiến tranh bùng nổ?
Chúng ta có thể hiểu được tình cảnh khó khăn của chị. Chị không thể nào đự trù được ngân quỹ của chị ngay cả đến những bữa ăn. Chị ta phải đi mượn tiền, phải đi vay nợ, đó là những điều mà chị rất ghét nhưng chị ta cũng không thể làm gì khác hơn là năn nỉ và đe dọa.
Thật rõ ràng: đó là một thái độ phi lý của người chồng. Người chồng xem ra là kỳ cục nếu chỉ được nhìn trên bình diện lý trí. Anh ta không có quyền cũng như không có lý do chính đáng để hành động như thế. Nhưng tình huống có thể là khác hẳn nếu được nhìn dưới nhãn quan tâm lý. Anh ta yêu vợ và hy sinh cho vợ rất nhiều đến nỗi chị ta có thể thuyết phục anh ta làm bất cứ điều gì chị ta muốn, và chị đã làm được như thế ngoại trừ trong vấn đề nầy, bỡi lẽ chỉ còn có một lãnh vực duy nhất mà anh ta cảm thấy mình còn giữ được chút uy thế, còn giữ được thế thượng phong, đó là vai trò cung cấp. Anh ta muốn lợi dụng vai trò nầy để giữ được ưu thế của mình trên người vợ, nhưng anh ta hoàn toàn không ý thức gì về chuyện đó. Anh chỉ muốn được hỏi và được xin. Nếu anh ta trao cho chị số tiền ngay vào đầu tuần, uy quyền của anh sẽ không còn. Nhưng anh ta không có thể cắt nghĩa điều đó cho chị ta được vì anh ta hoàn toàn vô ý thức về vấn đề nầy. Anh ta thật sự hoàn toàn vô thức về động lực tâm lý của mình. Vì thế, khi chị ta tố cáo anh ta, anh ta phải đi tìm những lý do loanh quanh để cắt nghĩa. Nhưng những lý do loanh quanh đó chỉ làm cho chị ta thêm tức giận mà thôi. Do đó, họ đã đi đến chỗ bế tắc trong cuộc chiến tranh lạnh và xem ra cũng rất nguy hiểm cho cuộc hôn nhân của ho, vì có thể một ngày nào đó nó sẽ làm cho cuộc hôn nhân của họ đi đến chỗ tan vỡ.
Sau khi đã nghe chị trình bày tất cả, tôi hiểu được động lực tâm lý nằm đằng sau vấn đề, và vì thế tôi đã giúp chị hiểu rõ những lý do tại sao chồng chị đã làm như thế. Sau đó, chị ta không còn buồn phiền và giận dữ nữa vì chị đã nghĩ ra một phương cách để giải quyết vấn đề một cách thích thú. Trở về nhà, từ hôm đó chị tỏ ra luôn vui vẻ và lịch sự hỏi anh ta tất cả những điều chị cần đến. Anh ta cũng rất vui vẻ và sung sướng thõa mãn tất cả những gì chị ta yêu cầu. Và nếu đó là cách làm cho anh ta cảm thấy vui sướng thì tại sao chị lại không cứ như thế mà làm. Chị có thể lấy một vài trăm đô một cách dễ dàng nếu chị chịu khó vui vẻ hỏi nhiều lần. Quả thật, anh ta rất rộng rãi với chị và yêu thương chị. Vì thế, sau đó chị đã không những lấy một vài trăm mà ngay cả một vài ngàn một cách dễ dàng vui vẻ để chi trong những công việc cần thiết mà không có gì rắt rối.
Điều mà chị ta học được từ kinh nghiệm nầy là cần làm một cái gì khác hơn là giải quyết vấn đề tiền bạc. Chị đã khám phá ra rằng cái nguy hiểm thật của họ nằm trong chỗ tranh chấp quyền hành và anh ta thật sự lo sợ chị nắm quyền trên anh ta. Nhờ yếu tố tâm lý, chị ta đã hiểu được cái gì là động lực sâu xa, đâu là lý do đã khiến anh ta hành động như vậy. Và sau khi đã khám phá ra được điều đó, chị đã có thể tìm được một phương cách để giải quyết vấn đề của chị một cách thành công và dễ dàng.
Xin cầu chúc quý anh chị đang gặp phải những khó khăn trong đời sống hôn nhân cũng tìm được một lối thoát tốt đẹp cho cuộc hôn nhân của chính mình cũng như cho sự hạnh phúc của con cái trong gia đình mình.
Lm. Lê Văn Quảng.