Bà mẹ đang ngồi viết thơ. Bé Thùy 3 tuổi đang chơi với những đồ chơi của nó trên sàn nhà bên cạnh mẹ. Cô bé thình lình nhảy lên, chạy đến với mẹ, và bảo bà mẹ ôm nựng nó một cái. Người mẹ ôm nó và bảo: “Tại sao con không đặt con búp bê lên chiếc xe của con và chở nó đi?” “Con muốn mẹ chơi với con.” “Cưng, chờ một chút nhé! Mẹ phải viết cho xong lá thơ.” Cô bé trở lại chỗ cũ. Sau vài phút nó chạy lại và nói: “Bây giờ mẹ có thể chơi với con chưa?” “Cưng, chưa được.” Cô bé im lặng một lát, rồi quay lại nói” Mẹ, con muốn đi vệ sinh.” “Được, con đi đi.” “Nhưng mà con không thể kéo cái tã xuống.” “Con làm được mà. Con bây giờ đã là một đứa con gái lớn rồi, con có biết điều đó không?” Cô bé nghe mẹ nói thế, nên cố gắng làm nhưng chỉ cố gắng một nửa thôi. Bà mẹ nhìn cô bé và nói:“Thôi được, cưng ơi, mẹ giúp con lần nầy.” Cô bé rời phòng và người mẹ lại tiếp tục viết thơ. Trong phút chốc, cô bé quay trở lại và nhờ mẹ giúp kéo tã lên. Mẹ nó làm giúp nó, đoạn trở lại với lá thơ đang viết dở. Bé Thùy trở lại với đồ chơi, yên lặng được một lúc và rồi nó lại kêu lên: “Mẹ ơi, mẹ có thể chơi với con bây giờ không?” “Đợi một vài phút nữa cưng ơi.” Nhưng, chẳng bao lâu cô bé lại chạy đến, ôm đầu gối mẹ và nói: “Con thương mẹ, mẹ ơi!” Mẹ nó trả lời: “Mẹ cũng thương con, cưng của mẹ!” Đoạn, mẹ nó ôm đáp trả lại cô bé. Bé Thùy trở lại với đồ chơi. Mẹ nó viết xong bức thơ và bắt đầu chơi với nó.
Câu chuyện xem ra muốn cho chúng ta thấy một người mẹ kiên nhẫn và yêu thương, và mối liên hệ thân tình giữa mẹ và con. Tại sao chúng ta gom nó vào đây? Chúng ta hãy đưa mắt thoáng nhìn những hành động của hai mẹ con. Bé Thùy đang muốn gì ở đây? Cô bé rất ngọt ngào và quyến rũ muốn mẹ chú ý đến cô ngay tức khắc. Hành vi của nó nói lên: ngoại trừ mẹ chú ý tới con, con không là gì cả. Con có một chỗ đứng chỉ khi mẹ bận rộn với con. Con nít muốn thuộc về. Nếu mọi sự trôi chảy, đứa trẻ lên tinh thần, cảm thấy có can đảm, và mọi sự ít có trở ngại. Nó sẽ làm điều cần thiết phải làm và có cảm giác thuộc về qua việc tham dự và sự hữu dụng của nó. Nhưng khi nó cảm thấy chán nản, cảm giác thuộc về sẽ ít đi. Con nít thích thú tham gia các sinh hoạt nhóm hoặc hội đoàn để được mọi người chú trọng. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về đích điểm nầy và bằng cách nầy hay cách khác nó phải tìm cho được một chỗ đứng.
Có 4 mục đích sai lầm mà con trẻ có thể theo đuổi. Là cha mẹ và những nhà giáo dục chúng ta cần nên biết những mục đích sai lầm đó nếu chúng ta muốn hướng dẫn con trẻ chúng ta có cuộc sống thích hợp với phương cách của xã hội.
1. Muốn được chú ý: Sự ước muốn chú ý không đúng lúc là mục đích sai lầm đầu tiên của những đứa trẻ thiếu tự tin như một phương tiện cho cảm giác là chúng thuộc về. Bị ảnh hưởng bỡi những giả định sai lầm cho rằng nó chỉ có ý nghĩa khi nó là trung tâm của sự chú ý, nên đứa trẻ cố gắng phát triển sự khéo léo để lôi kéo sự chú ý. Nó tìm mọi cách để giữ những người khác bận bịu với nó. Nó xem ra hấp dẫn và thông minh, vui vẻ và lôi cuốn. Nó tỏ ra rất thân thiện với mục đích là chiếm sự chú ý hơn là tham dự.
Trong mẫu chuyện trên, bé Thùy xem ra muốn tham dự. Nó muốn mẹ chơi với nó. Sao chúng ta lại kết luận nó có hành vi sai lầm? Rất đơn giản. Tham gia ám chỉ sự cộng tác với nhu cầu của hoàn cảnh. Một đứa trẻ tự tin cảm thấy được rằng mẹ nó đang cần làm một cái gì đó ngoài việc chơi với nó. Nhưng Bé Thùy lại có ý tưởng khác. Nó cảm thấy rằng nếu mẹ nó bận làm cái gì khác, mẹ nó bỏ quên nó. Cô bé nghĩ rằng nó chỉ có chỗ đứng nếu nó chiếm được sự chú ý. Nên nó đã dùng phương pháp dễ thương đó để chiếm sự chú ý, nhưng nếu thất bại nó sẽ quay sang phương cách quấy rầy. Nó có thể khóc, chọc phá, vẽ trên tường, làm đổ sữa, hoặc trăm ngàn cách khác để gây sự chú ý. Nếu cha mẹ khiển trách nó thì ít nhất nó cũng cảm thấy rằng họ biết nó đang có mặt ở đó. Một đứa trẻ như thế có quan niệm sai lầm về chính mình. Nếu chúng ta nhường nhịn cho đòi hỏi không thích hợp đó, chúng ta củng cố cho sự sai lầm của nó và làm tăng lòng tin của nó rằng với phương cách đó nó sẽ chiếm được cảm giác thuộc về mà nó muốn.
Dĩ nhiên, con trẻ cần sự chú ý. Chúng cần sự giúp đỡ, sự huấn luyện, thiện cảm, và tình yêu của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thấy những đứa trẻ có những cố gắng muốn chiếm sự chú ý ngay tức khắc và không thích hợp, bấy giờ chúng ta có thể tin chắc rằng đây là một cách thế sai lầm mà trẻ con muốn dùng để chiếm lấy một chỗ đứng.
Thoạt đầu xem ra khó biết làm cách nào để phân biệt giữa sự chú ý thích hợp và không thích hợp. Chìa khóa nằm ở trong khả năng nhận ra được nhu cầu của tình thế. Tham gia hay công tác đòi hỏi mỗi đứa trẻ trong gia đình nên lưu ý đến tình thế bấy giờ hơn là chú trọng đến chính mình. Bố mẹ có thể bước lui và quan sát điều mà đứa trẻ làm. Nếu hành động và phản ứng xem ra không phù hợp với nhu cầu của hoàn cảnh như được cho thấy trong mẫu chuyện của bé Thùy, bấy giờ đứa trẻ xem ra đòi hỏi sự chú ý không thích hợp. Vì hành động của con trẻ xảy ra một cách vô ý thức nên chúng ta cũng đáp lại một cách rất tự nhiên. Nhưng khi chúng ta ý thức về hành động và tìm cách để cắt nghĩa nó, bấy giờ chúng ta sẽ để ý đến vấn đề và cũng sẽ tìm cách để điều chỉnh lại đường hướng để hướng dẫn con cái chúng ta một cách tốt đẹp hơn.
(còn tiếp)
Lm. Lê văn Quảng