2. Tranh chấp quyền lực
Huyền Linh 5 tuổi đang xem Tivi. Nó đã được nhắc nhở 3 lần là đã quá giờ đi ngủ. Mỗi lần má nó nói, cô bé khóc và năn nỉ xin được phép coi cho xong chương trình Tivi. Bà mẹ cho phép vì đó là một chương trình hay. Tuy nhiên, khi kết thúc chương trình người mẹ bảo Huyền Linh đi ngủ. Nó không nghe lời mẹ, đổi đài, và ngồøi lại coi tiếp. Bà mẹ vào phòng Tivi và nói: “Huyền Linh, đã quá giờ đi ngủ rồi. Nào, hãy là một đứa con gái ngoan. Đi ngủ đi!” Cô bé trả lời: “Không.” Bà mẹ cúi xuống và nói với nó: “Mẹ bảo con đi ngủ ngay đi”. “Nhưng mà con muốn coi nữa.” “Con có muốn ăn đòn không?” Bà mẹ tắt Tivi. Cô bé thét lên, đoạn phóng tới Tivi và mở nó. Bà mẹ chụp lấy cánh tay nó, phết cho nó mấy cái, và lôi nó ra khỏi phòng Tivi. “Mẹ không chịu nổi nữa. Bây giờ đi vào giường ngay. Thay đồ đi ngủ.” Cô bé thét to, chạy vào giường và nằm úp mặt xuống giường. Bà mẹ rời khỏi phòng nó. Hai mươi phút sau, bà mẹ quay trở lại và thấy mọi sự vẫn không thay đổi. Cô bé vẫn chưa thay đồ và đang nằm coi sách. Thở dài và giận dữ, bà mẹ lại phết cho mấy cái, thay đồ cho nó và đặt nó vào giường.
Lúc đầu, cô bé biết đó là giờ nó phải đi ngủ. Nhưng bằng cách kéo lê thời gian và xin được thức khuya, nó xem ra muốn thử thách uy quyền của bà mẹ. Vì thế, khi bà mẹ nhường nhịn và cho phép nó, bà mẹ trao uy quyền đó vào tay đứa bé. Hành vi của bé Huyền Linh như muốn nói: cái quan trọng của tôi nằm ở chỗ khiến bà làm cái điều mà tôi muốn. Nó được điều nó muốn khi nó ảnh hưởng được mẹ nó cho phép nó thức khuya hơn một cách thành công. Nó tỏ cho thấy khả năng của nó có thể thuyết phục được mẹ nó.
Cuộc chiến cho quyền lực là mục đích sai lầm thứ hai và thường xảy ra sau khi cha mẹ đã thử một vài lần chận đứng sự đòi hỏi được chú ý của đứa trẻ. Đứa trẻ có thể trở nên nhất quyết dùng sức mạnh để đánh bại bố mẹ. Nó có cảm giác thích thú từ việc từ chối làm điều mà cha mẹ muốn nó làm. Một đứa trẻ như thế cảm thấy rằng nếu nó làm theo những đòi hỏi của cha mẹ, nó sẽ phục tùng một quyền lực mạnh hơn và như thế sẽ mất giá trị riêng của nó. Sự sợ bị khuất phục bỡi một mãnh lực hùng mạnh hơn là một sự thực đối với một số con trẻ và dẫn chúng tới những cố gắng muốn bày tỏ cho thấy sức mạnh riêng của chúng.
Khi mẹ bé Huyền Linh nhấn mạnh rằng nó phải đi vào giường sau khi hết chương trình, bà mẹ và cô bé bắt đầu vướng vào một cuộc chiến tranh chấp quyền lực. Phần còn lại của câu chuyện cho thấy cách thế mỗi người đã cố gắng để tỏ cho người khác thấy ai là kẻ có quyền. Mỗi lần bà mẹ giận dữ và đánh đập bé là mỗi lần bà đã nhường sự chiến thắng cho bé. Sự bị xúc phạm và đau đớn của hình phạt là một cái giá đáng phải trả cho sự chiến thắng. Cô bé tỏ ra sẵn sàng chấp nhận hình phạt để làm cho bà mẹ đâm ra chán nản và khiến cho bà thêm kiệt sức. Chưởi la, đánh đập, đó là điều mà chúng ta, những bậc cha mẹ thường làm khi chúng ta cảm thấy mình bị thất bại. Chính hành vi chúng ta nói lên: tôi không còn gì đáng kể ngoại trừ sức mạnh và uy quyền. Trẻ con cũng cảm thấy được điều đó và cũng làm như vậy. Thật là một sai lầm lớn cho chúng ta nếu chúng ta cố gắng để khuất phục một đứa trẻ đang say máu háo thắng. Trong cuôc chiến như thế, đứa trẻ càng phát triển sự khéo léo của nó trong việc dùng sức mạnh. Tiến trình đó có thể đưa đứa trẻ đến chỗ nó chỉ cảm thấy thõa mãn với việc trở thành một bạo chúa.
Vấn đề tranh chấp quyền lực đang trở nên thịnh hành trong xã hội chúng ta ngày nay vì những thay đổi quan niệm về bình đẳng đang xảy ra. Có thể nói là đủ để chúng ta nhận biết rằng một cuộc chiến tranh về quyền lực chắc chắn xảy ra nếu cha mẹ và con cái mỗi bên đều cố gắng tỏ cho thấy rằng ai sẽ là người có uy quyền.
Một trong những phân biệt quan trọng giữa một đòi hỏi cho sự chú ý và một chứng tỏ quyền lực là: hãy xem hành vi của đứa trẻ như thế nào. Nếu nó chỉ muốn được chú ý, nó sẽ ngưng hành vi quấy rầy của nó ít nhất là trong lúc nó bị khiển trách. Nhưng nếu ý hướng của nó là muốn chứng tỏ quyền lực, những cố gắùng làm cho nó ngưng chỉ làm tăng thêm hành vi quấy rầy của nó mà thôi.
3. Hận thù và Báo thù
Bà mẹ ở trong bếp, còn ông bố ở dưới tầng hầm. Cu Hân 5 tuổi và cô bé Hạnh 3 tuổi đang chơi ở trong phòng xem Tivi. Thình lình bé Hạnh thét lên vì đau quá. Bố mẹ chúng nó vội chạy đến thì thấy bé Hạnh đang thu mình trong góc hét lên trong khi cu Hân đang cầm hộp quẹt lửa đang cháy. Khi bố mẹ chạy đến thì bé Hạnh đã bị phỏng. Cậu bé đã thành công trong việc gây cho cô em một vết phỏng.
Mục đích sai lầm thứ ba đến từ sự căng thẳng của sự tranh chấp quyền lực. Khi bố mẹ và đứa trẻ trở nên căng thẳng trong việc tranh chấp quyền lực và mỗi bên cố gắng khuất phục phía bên kia, điều đó sẽ dễ biến thành những hận thù nguy hiểm. Đứa trẻ trong sự thất vọng có thể tìm cách trả thù như một phương cách để cảm thấy mình có ý nghĩa và quan trọng, vì nó nghĩ rằng nó không còn được yêu thích, cũng không có một chút quyền lực nào, và rằng nó chỉ đáng kể khi nó có thể làm tổn thương người khác cũng giống như nó đã bị người khác làm tổn thương. Và như thế mục đích sai lầm của nó trở thành mục đích của sự báo thù. Cu Hân thất vọng trong cố gắng chiếm một chỗ đứng, nó cảm thấy chính mình như một cậu bé bị ruồng bỏ, không được quí mến. Những đứa trẻ như thế cần nhiều sự khích lệ nhưng nhận lại ít. Cu Hân cần sự cảm thông và chấp nhận thật sự để giúp nó khám phá ra giá trị của nó. Nếu bố mẹ hay rầy la nó, nó càng cảm thấy rằng nó quả thật là xấu và không ai thích nó nữa. Điều đó càng làm cho nó ngày càng thêm thù hận và muốn tìm cách để trả thù.
(còn tiếp)
lm.lêvănquảng