Cô bé Quyên 6 tuổi gây lộn suốt cả buổi sáng. Nó làm eo không chịu ăn sáng. Mẹ nó rầy nó. Nó quay sang đánh nhau với em nó 4 tuổi. Mẹ nó đem nó vào phòng nhốt nửa tiếng đồng hồ. Nó lôi mấy nhánh hoa ra khỏi bình. Mẹ nó mắng nó và dọa đánh nó. Nó lại bắt con mèo hàng xóm đang chạy vào phòng nó và cột lại. Mẹ nó lôi cổ nó ra và bắt ngồi vào chiếc ghế trong bếp trong lúc bà chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Cuối cùng nó ném nguyên ly sữa lên sàn nhà. Mẹ nó không chịu nổi nữa, lôi nó vào phòng, phết đít nó, và không cho nó ra khỏi phòng chiều hôm đó. Một giờ sau mọi sự im lìm. Bà mẹ nghĩ rằng nó ngủ yên. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bà rất ngạc nhiên khi bà vào phòng nhìn thấy chiếc màn cữa sổ trong phòng nó bị cắt thành những mảnh nhỏ. Bà mẹ phải kêu lên: “Con ơi! Mẹ phải làm gì bây giờ với con?”
Bé Quyên dấu sự thất vọng của mình đằng sau sự phá hoại đó. Hành động của nó nói lên rằng ít nhất là bà biết rằng tôi vẫn còn có mặt ở đây. Khi bà mẹ của Quyên được thúc đẩy bỡi sự giận dữ dùng hết hình phạt nầy đến hình phạt khác, cô bé với hành vi của nó đã nói cho mẹ nó rằng: “Nếu bà có quyền làm khổ tôi, tôi cũng có quyền làm khổ bà”. Cứ thế, tiến trình của hận thù và trả thù thì thật là kinh khủng. Bà mẹ càng phạt, bé Quyên càng thù hận. Và kết quả của hình phạt là một sự báo thù đáng tiếc xảy ra. Hãy nhớ rằng trẻ con bao giờ cũng uyển chuyển hơn người lớn. Chúng có thể tưởng tượng nhiều hơn và chịu đựng lâu dài hơn cha mẹ. Kết quả là bà mẹ không chịu đựng nổi nữa nên đã phải lắc đầu và kêu lên: “Con ơi! Mẹ không biết phải làm gì với con bây giờ?”
Cái quan niệm “phải vâng lời hoặc chịu phạt” cần phải được thay thế bỡi quan niệm “cộng tác và trọng kính lẫn nhau”. Trẻ con chưa có kinh nghiệm và cần có sự chỉ dạy. Chúng cần được huấn luyện và cần sự dẫn dắt của chúng ta. Một người lãnh đạo tốt luôn biết khích lệ và gây cảm hứng cho những đệ tử của mình có những hành động thích hợp với hoàn cảnh của cuộc sống. Con cái chúng ta cần sự hướng dẫn. Chúng sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của chúng ta nếu chúng ta biết kính trọng chúng như những con người bình quyền có quyền quyết định những điều chúng sẽ làm. Sự xúc phạm đến phẩm giá của con trẻ phải được quan tâm, nhất là khi chúng bị đánh đập. Cha mẹ nên học cách thức sai khiến đứa trẻ làm sao để nó có sự đồng ý muốn vâng nghe những đòi hỏi của bố mẹ. Chúng ta có thể tạo nên một môi trường luôn biết quan tâm và trọng kính lẫn nhau, đồng thời cũng biết cung ứng nhiều cơ hội cho đứa trẻ học cách sống thoải mái và hạnh phúc với người khác. Chúng ta có thể làm những điều đó mà không cần tỏ ra quyền bính, vì quyền bính chỉ sinh sự chống đối và làm mất đi ý nghĩa và mục đích của việc huấn luyện con trẻ.
Trong những khóa huấn luyện về phương cách mới cho việc giáo dục con trẻ, chúng ta thường chia xẻ cho nhau về những kinh nghiệm giáo dục như: nhiều lúc con cái đã làm chúng ta nổi giận đến nỗi chỉ muốn phết đít hoặc phạt ngay một đứa trẻ. Chúng ta nên thành thật chấp nhận rằng sở dĩ chúng ta đã hành động như vậy là vì chúng ta muốn làm giảm bớt cảm giác căng thẳng, thất vọng của chúng ta hơn là cho thấy rằng chúng ta phạt đứa trẻ vì lợi ích riêng của nó. Đồng thời chúng ta cũng còn có cảm giác nầy nữa là: chính đứa trẻ thật sự cũng cần hình phạt đó. Thật ra, chính hành vi của đứa trẻ có những mục đích nầy: hoặc muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng nó là xấu, hoặc muốn đưa chúng ta đi vào trong cuộc tranh chấp quyền hành, hoặc để trả thù cho những bất công mà nó đã phải chịu trước đây. Vì thế, khi chúng ta phạt nó, chúng ta rơi vào đúng hướng đi của nó, chúng ta đã rơi vào đúng bẫy của nó.
Vấn đề nằm ở chỗ là: chúng ta đều là những con người, những con người với đầy những bất toàn. Thường thì chúng ta hành động như những con người bình thường hơn là những nhà giáo gương mẫu. Khi con trẻ làm chúng ta thất vọng chúng ta nghĩ rằng chúng ta có quyền sửa phạt chúng nó và chúng ta không cảm thấy chút mặc cảm nào về chuyện đó. Những lúc như thế, cảm giác của chúng ta như muốn nói với chúng ta rằng: “Vâng, tôi phạt chúng vì chúng đòi hỏi chuyện đó. Tôi biết điều đó vô ích nếu xem là phương cách giáo dục, nhưng điều đó làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn”. Chúng ta phải can đảm nói lên những lời chân thành của con người bất toàn của chúng ta đó, vì xem ra hình phạt mà chúng ta đã xử dụng không phải vì lợi ích của con trẻ mà là để xả bớt cơn giận dữ của chúng ta mà thôi.
Bà mẹ đưa cho cu Quyết 8 tuổi 5 đồng đô la và bảo nó đi vào tiệm mua bánh trong khi bà đi vào siêu thị mua một số đồ cần dùng. Khi mẹ con gặp lại ởï bãi đậu xe, bà mẹ hỏi cậu bé số tiền lẻ còn lại. Cậu bé hỏi mẹ: “Tại sao mẹ lại hỏi số tiền lẻ còn lại?” Bà mẹ trả lời: “Bà cần nó”. Một cách tức giận, cậu bé nhét số tiền lẻ còn lại vào tay mẹ nó và nói: “Con không thèm lấy đâu!” Bà mẹ nhìn nó. Cả hai mẹ con đi vào xe. Cậu bé tỏ vẻ giận dữ được thấy rõ qua hành vi của nó.
Việc ban thưởng cho những hành vi tốt thì xem ra cũng có hại giống như việc trừng phạt. Cả hai đều thiếu sự kính trọng. Chúng ta thích ban thưởng những con trẻ chúng ta cho những hành động tốt đẹp của chúng. Thật ra, trong chế độ bình quyền và tương kính lẫn nhau, một công việc được làm là vì nhu cầu của công việc cần phải được làm, và sự thõa mãn cũng đến từ công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp chứ không phải từ sự khen thưởng. Nhưng trẻ con thường chưa có được cái quan niệm: làm một công việc là để đóng góp vào lợi ích của gia đình. Sự chú ý của đứa trẻ thường tập trung trên chính nó nên nó thường tỏ ra thù hận khi thấy mình không được gì cả mà lẽ ra mình phải được một cái gì có lợi sau mỗi công việc mình làm. Cái nhìn của nó còn quá hạn hẹp. Quan niệm về xã hội của nó đã được hướng dẫn bỡi tư tưởng sai lầm nầy là: nó chỉ có chỗ đứng nếu nó chiếm được một cái gì; nó chỉ thấy nó thuộc về cộng đồng xã hội khi nó được thưởng một cái gì để đáp trả cho những hành động của nó, nhưng đó là một quan niệm sai lầm cần phải được sửa đổi.
(còn tiếp)
lm.lêvănquảng