Nếu đọc kỹ phúc âm, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu quan tâm đến những con người tội lỗi, những con người bị xã hội chê bỏ như những người thu thuế, những hạng gái điếm một cách đặc biệt đến nỗi đã khiến cho những người Do Thái, cách riêng những người biệt phái khó chịu với Chúa. Nhưng chúa vẫn tiếp tục công việc của Ngài vì đó chính là trọng tâm của sứ vụ Ngài ở trần gian. Ngài được Cha Ngài sai đến là để tìm kiếm và cứu chữa những con người tội lỗi. Ngài không đến để phê bình chỉ trích, cũng không đến để khơi dậy một cuộc cách mạng xã hội, hoặc để lên án những con người tội lỗi, nhưng đến để tìm kiếm và đưa họ trở về. Mục đích của Ngài là nối lại sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và trên căn bản đó nối kết giữa người với người.
Cứ nhìn vào phúc âm chúng ta sẽ thấy có một sự liên kết giữa các phép lạ Chúa làm và sự tha tội: “ Nhìn thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại: Hỡi con, tội con đã được tha”. Mc:2,5.
Điều kiện căn bản để Thiên Chúa có thể chữa lành mọi bệnh tật con người là chúng ta cần phải chân nhận chúng ta là những con bệnh cần được cứu chữa. Không một bác sĩ nào có thể chữa lành được bệnh nếu chính đương sự từ chối mình là con bệnh. Chúng ta chỉ có thể được giải cứu với điều kiện chúng ta phải chấp nhận nhu cầu cần giải cứu của chúng ta. Thiên Chúa luôn kính trọng sự tự do của chúng ta. Ngài không muốn cưỡng ép chúng ta. Vì thế, Ngài không thể cứu chúng ta được nếu chúng ta chối từ Ngài. Ai xem mình là công chính, đạo đức là tự đặt mình ra ngoài sự ảnh hưởng của Đức KiTô. Ở đâu không có ý thức về tội, ở đó KiTô giáo làm việc trong sự luống công. Toàn thể phúc âm mất hết ý nghĩa và mục đích của nó nếu chúng ta nói chúng ta vô tội và từ chối chấp nhận ơn tha thứ. Nếu nói rằng chúng ta vô tội là chúng ta nói dối vì không ai trong chúng ta là hoàn toàn cả.
Chúa Giêsu đến để mang lại cho con người một cuộc giải phóng tận căn rễ. Trong cuộc giải phóng nầy chính Chúa khởi sự bước đầu: “Ta bảo thật các ngươi: Tình yêu mà cô ta đã bày tỏ cho thấy tội lỗi đầy tràn của cô đã được tha. Ai được tha nhiều biểu lộ tình yêu nhiều. Ai được tha ít biểu lộ tình yêu ít. Đoạn Chúa Giêsu nói với người đàn bà tội lỗi: Tội con đã được tha”. Luc. 7:47-48.
Có 2 cách cắt nghĩa câu nầy. Hoặc là người đàn bà đã tỏ lòng yêu mến chứa chan như vậy nên tội chị ta được tha . Hoặc là tội chị ta đã được tha trước, vì thế đánh động lòng yêu mến của chị. Cách cắt nghĩa thứ nhất là theo Cựu Ước. Các tiên tri đã làm như thế. Khi người đàn bà tội lỗi đến khóc lóc và ăn năn, chị được tha thứ. Nhưng trong Tân Ước việc tiến hành thì ngược lại: sự tha thứ đến trước và như một kết quả người phụ nữ cảm động đáp trả lại tình yêu vô bờ ấy. Trong tiến hành của sự tha thứ, mắt chúng ta mở ra và chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dạt dào đối với chúng ta, bấy giờ chúng ta tự động đáp trả.
Một ngày kia người ta dẫn đến cho Chúa một người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Họ bắt đầu tố cáo, lên án bà ta. Nhưng Chúa vẫn yên lặng. Họ hỏi Chúa để xem phản ứng Chúa thế nào: Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ? Và Chúa đã đáp lời:“Nếu ai trong các ngươi vô tội hãy ném đá người đàn bà nầy trước đi”. Trong chốc lát họ bắt đầu rút lui. Cuối cùng chỉ còn lại một mình Chúa với người đàn bà ấy, Chúa ngẩng mặt lên đưa mắt nhìn bà ta và nói: Không ai lên án bà sao ? Thưa Thầy : Không - Tôi cũng không lên án bà. Hãy đi và đừng phạm tội nữa !
Đó là cách thức mà Chúa hay đối xử với tội nhân. Chúa chấp nhận người đàn bà ngoại tình với tất cả thực hữu của bà mà không có sự lên án. Ngài đã gọi hành động của bà là tội nhưng không có sự xúc phạm đến bà ta. Sứ điệp của Ngài không phải là một bài diễn văn thao thao bất tuyệt, nhưng là một sự kiện, một hành động, hành động tha thứ đầy yêu thương.
Trong kinh thánh và đặc biệt trong Tân Ước tình yêu được nhấn mạnh trên căn bản của sự hòa giải, sự tha thứ. Tình yêu Kitô giáo không đặt căn bản trên lý tưởng con người nhưng trên sự giao hòa mà Con Thiên Chúa đã hoàn thành trên thập giá. Đó là kết quả của công trình cứu độ của Ngài. Nơi Đức Kitô sự giao hòa giữa Thiên Chúa và con người đã được thiết lập và từ đó đi đến kết quả là sự giao hòa giữa người với người. Sự giao hòa nầy là quan niệm căn bản của tất cả những quan niệm khác như tha thứ, bác ái, an bình, hạnh phúc…
Nhiều người hoạt động rất hăng say và nhiệt tâm trong giáo hội nhưng không sinh kết quả tốt vì đã không đặt nền tảng trên căn bản nầy. Chỉ có những người nhận biết tội riêng mình và biết rằng mình đã được Thiên Chúa tha thứ mới có thể làm hòa với kẻ thù được. Người chưa thấu hiểu bản chất nặng nề của tội cũng như chưa hiểu rõ hồng ân bao la của sự tha thứ, sẽ không thể đi xa trong việc phục vụ kẻ khác và sẽ cảm thấy mau chán nản trong việc cố gắng tạo dựng một thế giới con người tốt đẹp hơn.
Kinh nghiệm về tội luôn là một vấn đề đau thương nhất của lịch sử con người. Nó đã cung cấp nguồn hứng cho những màn bi kịch vĩ đại của Hy lạp cũng như cho một số những bộ phim nổi tiếng nhất của thế giới ngày nay. Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều có một sứ điệp về tội và về sự hòa giải. Trong những tôn giáo khác, con người làm hòa thần minh với chính mình bằng việc thống hối và tế tự ngay cả việc tế người cho thần. Trong Kitô giáo chính Thiên Chúa giao hòa chứ không phải con người. Sự công chính là một món quà nhưng không của Thiên Chúa được ban xuống cho con người với lời mời gọi chúng ta chấp nhận món quà đó từ bàn tiệc hiến tế.
Sứ mệnh của Con Thiên Chúa là mặc khải cho con người thấy tình yêu của Thiên Chúa thì lớn hơn là tội lỗi của chúng ta. Dẫu chúng ta là những tội nhân, Thiên Chúa cũng không khước từ chúng ta. Ngài đã chấp nhận hết mọi người ngay cả những người thu thuế, gái điếm, đàn bà ngoại tình, hay những tên trộm cướp khét tiếng … tất cả đều tìm thấy nơi Ngài một mối tình đặc biệt dành cho những tội nhân. Ngài đã không vứt bỏ cây lau bị chà nát, cũng không dập tắt ngọn đèn còn leo lét. Ngài vẫn luôn tìm thấy một cái gì tốt nơi mỗi một con người, nên Ngài không lên án ai. Chính sự khác biệt đó khiến Ngài phải chấp nhận một sự cô đơn lớn lao, vì khi một người chấp nhận mọi người thì không thuộc về ai cả, cũng không thuộc về một nhóm nào cả. Chính tình yêu rộng mở đó đã làm ngài cô độc, nhưng Ngài vẫn trung thành với sứ mệnh cao cả của Ngài. Ngay trước khi chết trên thập giá Ngài vẫn mở rộng cõi lòng đón nhận những kẻ hành hung Ngài: “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm“.
Thật ra, không phải Thiên Chúa Cha đã đòi một cái chết quá độc ác cho Con Một Ngài như thế mà chính là con người muốn đi xa trong việc thử xem sự thực của tình yêu bao la của Thiên Chúa đến đâu.
Viên sĩ quan Rôma, người đã được chỉ định đóng đinh Chúa, ông đã chứng kiến thảm kịch tử nạn của Chúa từ đầu đến cuối. Trong suốt đời binh nghiệp của ông, ông chưa bao giờ nhìn thấy một cái chết hào hùng, cao đẹp như vậy đến nỗi mắt ông đã bừng sáng và nhận ra bản tính siêu việt của Con Người Giêsu ấy, khiến ông đã phải thốt lên: “Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa”.
Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa mặc khải trong Đức Kitô vượt xa tất cả những tư tưởng của con người. Tình yêu ấy lớn hơn khối óc chúng ta và còn lớn hơn cả những tội ác tầy đình của chúng ta nữa. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng: “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Rom.8:39. Điều đó cũng mang lại cho chúng ta, những con người tội lỗi, niềm hy vọng lớn lao nầy: mọi người đều có thể đến cùng Thiên Chúa và chắc chắn Ngài luôn đón nhận. Chính sự tha thứ và đón nhận của Thiên Chúa sẽ mang lại cho con người một cuộc tái sinh mới. Khi con người biết rằng con người không bị khước từ, cũng không bị lên án nhưng được chấp nhận và yêu thương bỡi Thiên Chúa, bấy giờ con người sẽ cảm thấy có một sức sống mới, một sự tái sinh mới trong chính con người mình. Chính sự tái sinh đó mang lại cho con người một cảm giác hân hoan phấn khởi để rồi từ đây con người có thể đáp trả bằng cách cho đi chính tình yêu của mình trong sự phục vụ Thiên Chúa và đồng loại.
Sứ mệnh của Đức Kitô đến trần gian nầy là đưa con người đến với sự giải hòa và tái sinh đó. Nhưng không phải hết mọi người được hưởng nhờ hồng ân bao la đó mà chỉ có những con người tin. Nên phúc cho chúng ta những con người có lòng tin, những con người biết tin vào tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.
Lm. Lê Văn Quảng