Bà mẹ cho nước mắm nêm vào trong cái tô. Bé Kim Tuyền chạy đến hỏi: “Con có thể giúp mẹ được không?” “ Ô, mẹ không biết nữa. Con còn vụng về lắm. Nhưng thôi, được rồi. Đây, con hãy thử xem. Con hãy mang nó tới bàn mà không làm đổ nhé. Hãy cẩn thận nhé con!” Bà mẹ đưa cho cô bé tô đầy nước mắm. Bé Tuyền đi rất chậm, mắt chăm chú vào tô, nhìn cách cẩn thận để nó không nghiêng. Chân nó đá vào chân ghế. Tô mất thăng bằng. Nước mắm vung vãi ra ngoài, chảy xuống áo cô bé và rơi xuống thảm. “Con ơi, tại sao con vụng về thế? Tại sao lại như vậy? Mẹ đã không bảo con phải cẩn thận hay sao? Tại sao con làm bất cứ việc gì cũng vụng về như vậy?”
Cô bé đã cố gắng thái quá để khỏi bị chê là vụng về, nhưng rồi chính vì quá lo lắng, nên chân cô vấp vào chân ghế đã khiến xảy ra chính điều mà cô bé sợ mình vấp phải. Nếu bà mẹ tỏ ra tin tưởng thật sự vào khả năng của cô bé có thể mang được một tô nước mắm, thì chắc cô bé đã có thể làm điều đó một cách tốt đẹp hơn. Bây giờ thì tư tưởng của cô bé về chính mình như là một cô bé vụng về, một lần nữa đã được củng cố và cô còn có thêm một thất bại khác cho tín chỉ của cô.
Dĩ nhiên, trẻ con có nhiều điều sai lỗi và làm nhiều chuyện sai lầm. Nếu chúng ta có khuynh hướng phê bình thì thay vì chú trọng đến ưu điểm chúng ta lại quay sang để ý đến khuyết điểm và cho đó là quan trọng. Chẳng hạn, nhiều đứa trẻ tình cờ nói cà lâm, nhưng nó sẽ biến mất nếu không ai để ý đến điều đó. Tuy nhiên, vì chúng ta quá để ý để tránh hoặc sửa bất cứ hành động nào mình không thích, hoặc vì chúng ta cảm thấy có một cái gì cần phải được làm cho người khác, nên chúng ta có khuynh hướng muốn chữa trị đứa bé ngay tức khắc khi nhìn thấy nó có điều gì sai lỗi. Nhưng thật ra, chúng ta không sửa được nó mà chỉ càng làm tăng thêm những khó khăn, vì đứa trẻ cảm thấy điều đó là có ích như gây thêm được sự chú ý hay có thể được xem là chiến thắng trong việc đánh bại những áp lực của chúng ta. Vì thế, phê bình không dạy được con trẻ mà chỉ làm cho con trẻ giữ vững những hành động chống đối hoặc thêm khuyết điểm mà thôi.
Để hướng dẫn con trẻ chúng ta có kết quả, chúng ta cần để ý đến những gì đang xảy ra. Đó có phải là một sai lỗi không? Hay đó là một sự thất vọng, một phán đoán sai lầm, hoặc thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm? Hay có một mục đích nào tiềm ẩn đằng sau hành động đó không? Những câu chuyện của các trẻ con trên đây cho thấy một sự thiếu kinh nghiệm và một phán đoán nghèo nàn. Chúng có thể đi đến thất vọng, nên chúng cần một sự chỉ dẫn chứ không phải phê bình. Chúng cần được khích lệ để khám phá ra khả năng của chúng. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy: một hành động sai lầm có thể là kết quả của một mục đích sai lầm. Nó có thể có một mục đích. Và nếu điều nầy là đúng thì đó không phải là một lầm lỗi nữa mà là một sai lỗi.
Bà mẹ gặp một người bạn nơi công viên trong lúc bà và cô bé Kim Uyên 5 tuổi đang đi bách bộ. Cô bé bám sát mẹ, tay bỏ vào miệng khi cô bé được giới thiệu. “Đến đây, Kim Uyên, không được e thẹn”, bà mẹ nài nĩ; đoạn quay sang bà bạn nói:”Tôi không biết tại sao nó lại e thẹn như vậy? Không có ai trong nhà như vậy cả.” Nghe thế, cô bé càng e ngại hơn. Bà bạn cuối xuống để nghe cô bé trả lời. Nhưng cô bé không nói cũng không cười, chỉ nhìn bà với cái liếc nhìn. Khi người bạn đầu hàng và bắt đầu nói chuyện với bà mẹ, cô bé đứng yên một lúc và rồi kéo mẹ, leo lên vế mẹ và áp mặt vào để hôn mẹ.
Cô bé có mục đích trong cái e thẹn của nó, nên chỉ vô ích nếu bảo nó đừng e thẹn nữa. Càng chú ý vào cái sai lỗi của nó chỉ càng củng cố điều đó thêm thôi. Kim Uyên nhận ra mình là một người hay e thẹn trong gia đình. Điều nầy mang lại cho cô bé một sự nổi bậc. Khi chúng ta muốn biết cái gì là kết quả của sự e thẹn, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính điều đó làm nó trở nên trung tâm của sự quan tâm đáng để ý. Mọi người cố gắng để làm cho cô bé trả lời. Như vậy, cô bé trở thành trung tâm của sự chú ý. Nó có giá. Tại sao nó phải bỏ đi?
Nếu cô bé thất bại trong việc lôi kéo mọi người một cách thích thú đó, nó sẽ không làm thế nữa. Bà mẹ có thể giới thiệu với sự hảnh diện nhưng với thái độ bình thường. Nếu cô bé không trả lời, cứ tiếp tục nói chuyện với người bạn mình. Như vậy, sự e thẹn của nó sẽ bớt đi và dần dần sẽ quên đi. Nếu người bạn hỏi: “Có phải cô bé e thẹn không?” Bà mẹ có thể trả lời: “Không, cô bé không e thẹn đâu. Nó chỉ không thích nói chuyện ngay bây giờ, nhưng nó sẽ nói chuyện lát sau”.
Nếu chúng ta muốn một đứa trẻ khuất phục được một sai lầm nào đó, chúng ta phải khám phá ra mục đích đằng sau thái độ của nó mà không cần phải nói về điều đó chút nào. Hãy hành động trong cách thế như vậy thì mục đích sẽ không còn nữa. Hầu như mọi lúc, về phía chúng ta không cần phải làm gì, cũng không cần phải nói gì để tránh gây nên động lực củng cố thêm cho hành vi đang có.
Lm. Lê Văn Quảng