Trong hầu hết mọi gia đình, truyền hình tạo nên nhiều chuyện lủng củng. Chuyện tranh cãi coi đài nào. Bố mẹ lo ngại về những ấn tượng xấu để lại trong đầu óc con cái. Họ quan tâm về những chương trình giải trí thụ động tiêu phí nhiều thời giờ vô ích. Bài vở ở nhà nhiều lúc bị sao nhãng bỡi những chương trình tivi. Giờ đi ngủ không còn chú trọng bỡi những chương trình hấp dẫn thường hay đến trễ. Giờ cơm thì thay đổi lung tung cũng bỡi chương trình tivi. Nhiều gia đình đã phải thay đổi thói quen ăn tối để ăn trước giàn máy tivi, và rồi mỗi phần tử bị cô lập bỡi sự say mê vào chương trình. Bố mẹ lo lắng vì giờ cơm không còn là một sinh hoạt chung để thăng tiến sự đoàn kết của gia đình. Chiến tranh và bất đồng xảy ra. Một số bố mẹ không cho để tivi trong nhà, kết quả là con trẻ hoặc đi sang hàng xóm coi, hoặc tiếp tục phàn nàn rằng chúng bi chối từ điều mà những trẻ nhỏ khác được.
Truyền hình là một cái gì phổ thông. Nó trình bày những vấn đề mà chúng ta phải học hỏi hơn là thù hận. Khi con trẻ cãi vả về chương trình phải xem, bố mẹ không nên can thiệp vào, cho đến khi con cái đạt được một sự đồng ý. Khi sự cãi vả liên quan đến bố mẹ và con cái, tình hình xem ra phức tạp hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề: bố mẹ được quyền xem chương trình hay con cái có quyền xem cái mà chúng muốn. Đây là vấn đề gia đình và phải giải quyết bỡi hết mọi người. Vấn đề trở thành: chúng ta sẽ làm gì về chuyện đó? Không phải bố, cũng không phải mẹ nói: tôi phải làm gì để xếp đặt việc xem tivi? Nhưng tất cả mọi phần tử trong gia đình phải đi đến một sự đồng ý với nhau. Đây thường là chủ đề cho hội đồng gia đình. Nếu sự bất đồng rất nghiêm trọng, bố mẹ có thể tắt máy tivi, và không ai ngay cả bố mẹ được xem tivi cho đến khi đạt được một sự thõa thuận.
Bao lâu việc bài tập ở nhà bị xao lãng đến độ đáng quan tâm, chúng ta có thể cảm thông được với đứa trẻ nhờ việc thảo luận. Nó có thể chọn cho nó giờ nào làm bài tập và giờ nào coi tivi. Bà mẹ nên cứng rắn và giúp nó tuân giữ điều nó đã đồng ý, bằøng hành động không bằng lời nói. Nếu con trẻ muốn xem tivi sau giờ đi ngủ, bố mẹ phải cứng rắn để giữ thói quen. Nếu đứa trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên bế nó vào giường mà không phải nói lời nào.
Không có chiến tranh xảy ra nếu bà mẹ không có điểm gì khiến nó để ý. Nếu bà cứng rắn trong việc giữ trật tự và theo những đòi hỏi của tình thế, bà chỉ mang nó vào giường. Nếu đứa trẻ đã lớn, chúng ta phải làm một sự thõa thuận với nó, và rồi cố gắng theo tới cùng điều đã được thõa thuận. Tất cả không phải dễ nếu chúng ta không phát triển mối giao hảo tốt trong sự tin tưởng và cộng tác với con cái chúng ta. Thật ra, tivi tự nó không phải là vấn đề, nó chỉ cho thấy sự thiếu cộng tác giữa cha mẹ và con cái.
Phẩm chất và nội dung của chương trình tivi là chủ đề của sự quan tâm quốc gia. Tuy nhyiên, chúng ta khó ngồi đó mà chờ đợi nhà nước giải quyết vấn đề cho chúng ta. Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải hành động.
Quang 11 tuổi, Vân 8 tuổi, và Quận 7 tuổi thưởng thức một cách thích thú một chương trình phù thủy đầy kinh dị. Bố mẹ cảm thấy rằng đó không phải là chương trình cho con trẻ. Nhưng họ càng phản đối thì con trẻ càng đòi hỏi. “Có cái gì sai đâu? Đó là một chương trình tốt. Mọi đứa trẻ khác đều xem nó.” Vì thế, mỗi tuần đều xảy ra một trận chiến trong gia đình về chương trình nầy.
Khi chúng ta nhấn mạnh rằng một đứa trẻ không nên xem một chương trình được phép, chúng ta mời nó đi vào một cuộc chiến “tranh chấp quyền hành”. Đứa trẻ sẽ thắng. Không có lý luận nào mạnh hơn: “những đứa khác được phép tại sao con không?” Và nếu chúng ta vẫn khước từ chương trình, đứa trẻ sẽ tìm sự trả thù trong cách khác. Giải quyết cách nào? Chúng ta không thể bảo vệ con trẻ chúng ta khỏi ảnh hưởng tivi cũng như những ấn tượng mà chúng nhận được. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp con trẻ phát triển sự đề phòng ảnh hưởng xấu và sự phê phán nghèo nàn. Điều nầy không thể được làm bỡi sự giáo huấn. Lời nói trong thế giới ngày nay được dùng như một vũ khí hơn là phương tiện đối thoại. Đứa trẻ trở nên điếc khi cha mẹ dạy đời. Tuy nhiên, một sự thảo luận trong đó bố mẹ hỏi rồi lắng nghe, xem ra có lợi hơn nhiều. Bố mẹ có thể xem những chương trình với con cái và rồi chia xẻ ấn tượng của họ trong một bầu khí thân mật như đặt câu hỏi: “Con nghĩ gì về phim đó? Nhân vật đó làm gì cách khôn ngoan? Con nghĩ những người khác cảm thấy thế nào? Tại sao? Con nghĩ họ có thể làm gì khác hơn?” Trong cách thế đó, bố mẹ giúp đứa trẻ nghĩ cho chính nó và có một cái nhìn chín chắn về chương trình về phía nó. Nếu bố mẹ lắng nghe, đứa trẻ sẽ khám phá khả năng diễn tả ý kiến của nó – một khám phá thích thú nhất của đứa trẻ. Bố mẹ không nên làm hỏng chương trình bằng cách cố gắng sửa sai những ấn tượng mà đứa trẻ diễn tả. Chúng ta chấp nhận những gì mà đứa trẻ nói. Và hãy theo dõi, chúng ta sẽ thấy một sự tiến triển với thời gian, và đứa trẻ tự nó sẽ phát triển cái nhìn chín chắn hơn. Nếu bố mẹ bất thường muốn đóng góp ý tưởng của mình, họ có thể làm điều đó dưới hình thức một câu hỏi được nêu ra: “Con nghĩ là cái gì xảy ra nếu…” Hoặc sau một phim cao bồi, bố mẹ có thể hỏi: “Con có biết ai tốt trong phim không? Đánh đập một người có phải là vui không?”
Trong những thảo luận như thế, chúng ta tránh áp đặt những ý tưởng riêng của chúng ta và khuyến khích đứa trẻ nên có những suy nghĩ cho chính nó. Chúng ta phát triển một tương quan tốt đẹp với con trẻ. Trẻ con không bao giờ học suy nghĩ cho chính mình nếu chúng ta làm hết mọi sự cho chúng. Nếu có một sự quan hệ tốt đẹp, đứa trẻ sẽ thành thật đáp lại những điều mong ước của chúng ta, sẽ nói với chúng ta nó nghĩ gì – điều đó có nghĩa là nếu nó không mang một thương tích nào trong đầu. Và chúng ta có thể hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy con trẻ có một sự phán đoán thông minh và một kiến thức nhạy bén về cách xử thế công bình và cao đẹp mà con trẻ cho thấy.
Với cách hành động trên đây, chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng hầu hết con trẻ lấy chương trình tivi tùy theo sự thăng tiến của chúng. Nếu đó không là nguồn cho sự cạnh tranh quyền bính, sự thích thú thường không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan tâm về chương trình giải trí quá thụ động có thể được làm quân bình nếu chúng ta nghĩ rằng đây cũng là một hình thức vui khác mà gia đình cùng nhau quây quần. Chúng ta không thể lấy một cái gì khỏi đứa trẻ. Đây là một hình thức áp đặt ý muốn chúng ta. Chúng ta cần đưa ra một cái gì có lợi lớn hơn kích động và ảnh hưởng đứa trẻ để nó tự nguyện bỏ điều ít lợi hơn.
Tivi thật ra không phải là nguyên do của nhiều lo lắng nếu chúng ta biết phải làm gì và biết tự tin vào khả năng của chúng ta để đối phó với những vấn đề trục trặc hàng ngày luôn gặp phải.
Lm. Lê Văn Quảng