Thời đại hôm nay là thời đại của “fast food”, của mì ăn liền, của cà phê “to go”. Đâu đâu người ta cũng nhìn thấy hình ảnh McDonald hiện diện, vì nó thích hợp với thời đại. Con người hôm nay khác với ngày xưa, ngày nay người ta không còn đủ kiên nhẫn để ngồi chờ lâu trong các quán ăn nữa. Tuy nhiên, trong vấn đề giáo dục lại khác hẳn, người ta không thể nóng nảy, vội vàng vì càng vội vàng, nóng nảy càng hư sự. Giáo dục đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng. Vì thế, những người nóng nảy, vội vàng không thích họp với ngành nghề giáo dục, vì giáo dục đòi hỏi một sự từ từ huấn luyện.
Con trẻ cần sự huấn luyện rõ ràng cho nhiều công việc phải làm trong cuộc sống. Dĩ nhiên, trẻ con cần thu thập kiến thức qua sự quan sát. Nhưng chúng ta không thể tùy thuộc vào sự học hỏi của đứa trẻ theo phương cách nầy. Nó cần học cách măïc quần áo, học cột giây giày, học ăn, học tắm rửa, học đi ngang qua đường…
Rồi, khi nó lớn lên, học cách hoàn thành những bổn phận trong gia đình. Những điều nầy không thể học được bỡi những xếp đặt tình cờ, cũng không do sự quở mắng hoặc đe dọa trừng phạt để những công việc nầy cần phải được thực hiện. Thời gian huấn luyện cần phải được sắp xếp rõ ràng và là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Mỗi sáng, bé Xuân Mai, 4 tuổi, ngồi chờ cách nhạt nhẽo cho tới khi bà mẹ mặc quần áo cho nó. Nhiều nút trên áo làm nó lúng túng, phía trước phía sau làm nó lẫn lộn, mang giày cột giày cũng chưa được rành. Mỗi sáng bà mẹ thường hay la rầy khi giúp nó mặc quần áo và rồi đưa nó đi ra ngoài với bà.
Bé Xuân Mai đã khám phá ra sự hữu ích của việc vô dụng. Tại sao nó phải làm khi mẹ nó vẫn phục vụ cho nó. Bà mẹ quên mất rằng bà cần xếp đặt thời giờ huấn luyện cho nó biết cách tự mặc quần áo. Nếu chúng ta không chịu bỏ ít thời giờ ra huấn luyện, chúng ta sẽ phải mất một thời gian nhiều hơn để chỉnh đốn lại một đứa trẻ không được huấn luyện. Những sửa sai tức khắc là một giáo dục thất bại vì sửa sai là phê bình và như thế làm thất đảm và làm con trẻ bực tức. Như một kết quả của sự xung đột, con trẻ trở nên cứng đầu, bướng bỉnh, không chịu học. Hơn nữa, cái được gọi là sửa sai thường không mang lại kết quả đáng mơ ước vì con trẻ xem những sửa sai đó như một phương cách để chiếm lấy sự chú ý đặc biệt nên cần phải được lập đi lập lại nhiều lần và lâu dài.
Trẻ con bình thường tỏ ra thích làm nhiều điều. Bố mẹ nên nhận thấy những cố gắng đó và khuyến khích chúng. Tuy nhiên, có những thời giờ nhất định nên được đặt ra cho những học hỏi kinh nghiệm như thế. Thời giờ gấp rút ban sáng thường không nên là giờ để dạy con trẻ làm sao cột giây giày. Sự gấp rút của thời gian chỉ làm cho bà mẹ thiếu nhẫn nại và làm cho đứa con sinh bất mãn. Giờ chơi vào buổi chiều là thời gian lý tưởng để dạy một vấn đề gì. Có vô số những vật dụng cần thiết giúp vào việc huấn luyện trẻ em, có thể được tìm thấy trong những quầy hàng trò chơi con trẻ. Bà mẹ có thể sáng chế ra cách thế của mình như dùng một hàng nút lớn và những khuy nút của một chiếc áo cũ để dạy cho con mình biết cách cài nút áo. Những lỗ lớn được đục vào một miếng giấy cứng mà ở đó một chiếc giày được vẽ lên có thể được dùng để dạy con trẻ biết cách xỏ giây giày và cột giây giày. Nếu trẻ con tham dự vào sự sáng tạo những vật dụng như thế, chúng cảm thấy thích thú gấp bội phần. Chúng luôn luôn thích thú khi nhìn thấy người mẹ làm một cái gì để chơi với nó và càng thích hơn khi nó giúp mẹ nó làm điều đó. Bà mẹ cũng có thể khêu gợi sự thông minh sáng tạo của đứa trẻ và nuôi dưỡng sự sáng tạo của nó.
Cung cách nơi bàn ăn cũng cần được giáo dục. Những lời giới thiệu và cách chào khách có thể là một phần của bữa tiệc nơi bàn ăn. Khi lên xe lửa, xe buýt, hay xe hơi cũng cần phải được chỉ giáo để chúng biết cách xử sự khi phải lên xuống xe.
Giáo dục về vấn đề gì cần phải được lập đi lập lại cho đến khi con trẻ nhuần nhuyễn như một thói quen. Mỗi vấn đề nên được giáo dục cách riêng biệt. Hãy tỏ ra kiên nhẫn và tự tin vào khả năng của đứa trẻ, nên khuyến khích chúng bằng những câu như: cố gắng lên, làm lại lần nữa, tốt lắm tốt lắm…sẽ làm cho con trẻ thêm phấn khởi và cố gắng học hỏi.
Thật là khôn ngoan và thông minh nếu cha mẹ biết chuẩn bị trước và dạy cho chúng hiểu trước về những biến cố tương lai sẽ xảy ra mà không có gì thích thú.
Hai bé sinh đôi Mỹ Linh và Mỹ Lan đã được xếp chương trình để đi lấy cái bướu ở phía dưới lưỡi của chúng. Bà mẹ cảm thấy rằng một ít hiểu biết về vấn đề mổ xẻ có thể xem ra là hữu ích. Nhiều ngày trước khi đi cắt cái bướu đó, bà mẹ đã sáng chế ra một trò chơi: chúng ta hãy tưởng tượng rằng những con búp bê nầy đang đi tới nhà thương để được lấy cái bướu ra. Bây giờ ta cần làm cái gì trước nhất? Cô bé Mỹ Lan nhanh miệng trả lời: “ Một cái va li”. Và nó lập tức mang lại cái va li nhỏ. Bà mẹ lại hỏi: “Cái gì sẽ được bỏ vào trong đó?” Hai đứa trẻ chọn những đồ cần thiết và xếp vào trong va li đó. Những con búp bê được mặc quần áo chỉnh tề. Cu Tuấn đóng vai trò của người cha lái xe đi. Sự tiếp đón bỡi nhân viên, y tá và tiến trình thâu nhận vào nhà thương được diễn tả với những lời đối thoại rất thích hợp. Bấy giờ bà mẹ đóng vai bác sĩ nói với những con búp bê. Dùng cái xe đẩy, bà cắt nghĩa, đây là một chiếc giường di chuyển bệnh nhân. Đoạn dùng một xe đẩy sữa nước được phủ bằøng một miếng vải trắng, bà giả vờ cho đó là một người được gây hôn mê, bà vừa đi vừa cắt nghĩa với con búp bê. “Bây giờ mới thật buồn cười, cô bé ơi (nói với con búp bê). Bé phải lấy một cái hít thở thật dài. Chỉ một chút sau đó là bé ngủ mê. Trong trò chơi, bà mẹ tránh tiến trình mổ xẻ vì con trẻ không ý thức về cái gì tiếp tục sau đó. Trong lúc bé ngủ mê, bác sĩ sẽ lấy những bướu đó ra và sau đó đặt bé trở lại vào giường di chuyển. Khi nói điều nầy, bà mẹ lấy mặt nạ ra khỏi mặt con búp bê, gói gọn nó lại trong tấm ra, và đặt nó lại trong chiếc xe đẩy. Bây giờ, cô bé được chuyển về lại phòng cũ. Khi nó thức dậy, nó có thể có kem để ăn”. Cô bé Mỹ Linh hỏi: “Khi lấy cục bướu ra có làm nó đau không?” “Nó không đau chút nào, bà mẹ trả lời, vừa tiếp tục đóng vai trò bác sĩ của bà. Con thấy đó: Nó ngủ ngon lành” “Nhưng nó có đau không sau khi thức giấc? Đau một chút ơ cổ họng, nhưng nó có thể chịu đựng được. Nó không kéo dài lâu”. Đoạn bà mẹ hỏi: “Ai muốn đóng vai bác sĩ cho con búp bê sắp tới?” Cô bé Mỹ Lan làm tất cả và lập lại như trước.
Ngày hôm sau hai đứa trẻ đóng lại trò chơi đó và thay nhau làm bệnh nhân. Bà mẹ cung cấp nhiều dụng cụ cần thiết hơn.
Khi cả hai đứa bé nầy đến nhà thương, chúng tỏ ra tự tin và rất cộng tác. Khi bà mẹ đã gợi ý là: con búp bê có thể chịu đựng được đau một ít ở cổ họng, bà thành thật nhận rằng sẽ có đau, nhưng bà tỏ ra tin tưởng vào khả năng chịu đựng của các trẻ. Bà cũng tỏ cho thấy có cái gì đáng lạc quan về cái đau đó: nó không kéo dài lâu.
Việc huấn luyện cho con trẻ tự mình giải quyết những vấn đề đơn sơ thì rất cần thiết. Trong một vài trường hợp, bà mẹ phải dùng cách không dấn thân vào mà phải để cho chúng tự giải quyết lấy. Không kể con số bao nhiêu lần, đứng trước những vấn đề, bố mẹ nên lùi bước ra sau và để con trẻ tự giải quyết những vấn đề của chúng để con trẻ có thể học hỏi bằng chính những kinh nghiệm chúng gặp phải.
Bé Hoa, 2 tuổi rưỡi, thét lên một cách giận dữ và thất vọng vì chiếc xe kéo bị kẹt không chạy được. Bà mẹ hỏi: “Cái gì vậy con?” Bà vừa nói vừa chạy đến để xem xét. Bé Hoa đứng giậm chân và tiếp tục hét. Bà mẹ ngồi xuống và chờ đợi. Cô bé dùng sức kéo mạnh chiếc xe. Chiếc xe vẫn mắc kẹt. “Ngoài việc kéo như vậy con có thể làm gì khác nữa không?” Cô bé kéo hướng khác. Xe vẫn mắc kẹt. “Cái gì sẽ xảy ra nếu con thử kéo phía sau của chiếc xe?” Cô bé cố gắng thử. Chiếc xe chạy ngon lành. Cô bé vui vẻ, thích thú kéo theo chiếc xe chạy sau nó. “Có phải chính con đã làm được chuyện đó phải không?” bà mẹ có lời khích lệ.
Bố mẹ cần thời gian cho việc huấn luyện, có thể kéo dài nhiều năm, bằng cách tỏ cho con trẻ thấy rằng có nhiều cách thế để đối ứng với một vấn đề. Bà mẹ không kéo chiếc xe cho đứa con nhưng dùng hoàn cảnh đó để dạy cho cô bé biết rằng nó có thể tự giải quyết được chuyện đó.
Bà mẹ đặt đứa bé trai mới được 10 tháng tuổi lên đống cát và ngồi xuống gần bên để quan sát nó. Cậu bé thọc hai bàn tay vào trong cát, hốt cát, nhìn mẹ, và đưa trọn tay cát vào miệng. Bà mẹ nhảy lên và chạy vội về phía cậu bé nói: “Không, không được con ơi!” Bà chụp nó và móc cát ra khỏi miệng nó, và lại đặt nó lên đống cát nữa. Sự thực hành nầy được lập đi lập lại nhiều lần trong suốt thời gian một tiếng đồng hồ.
Cậu bé đã khám phá ra một trò chơi thích thú là làm bà mẹ phải bận rộn với nó. Bà mẹ phải chú ý luôn, không dám lơ đãng khi cậu bé được mang ra chơi ở ngoài trời. Bà phải trông coi nó cách cẩn thận.
Bà mẹ cần có thời gian để huấn luyện cậu bé không được bỏ mọi thứ vào miệng. Mọi đứa bé đều làm như vậy. Đó là một cách thức khám phá ra thế giới chung quanh nó. Nó cảm thấy thế nào? Nó nếm thấy thế nào? Đây chỉ là một động tác tự nhiên, và không có lý do gì không huấn luyện cho nó trong việc kiềm chế chính mình. Bà mẹ có thể đem đứa bé ra khỏi cát và đặt nó vào trong chiếc xe của nó mỗi lần nó bỏ cát vào trong miệng nó. Điều đó cho thấy vì cậu bé không biết hành động xứng hợp nên cậu bé phải được đem đi. Cậu bé có thể la hét, khóc để phản đối. Bà mẹ đọc được ý của nó nên cứ để nó khóc. Bà mẹ kính trọng sự biểu lộ của nó. Khi cậu bé yên lặng không khóc nữa, bà mới cho nó chơi tiếp. Nếu nó còn bỏ cát vào miệng nó, bà mẹ nhấc nó lên và bỏ vào trong xe. Không bao lâu nó sẽ học được điều mẹ nó muốn dạy nó. Mỗi khi cát vào miệng, nó được đưa vào bỏ trong xe. Không cần nói gì cả. Cậu bé không hiểu những lời nói nhưng hiểu được những hành động.
Khi gia đình có nhiều con, việc huấn luyện do những đứa trẻ với nhau có thể bị quên lãng. Những đứa lớn hơn có thể dạy cho những đứa nhỏ hơn những gì chúng cần phải làm cho chính mình. Điều đó cũng cần phải coi chừng vì đứa lớn có thể dùng cơ hội để đặt cái uy quyền trên đứa nhỏ. Mỗi đứa trẻ cần có giai đoạn huấn luyện để nó có được sự thành thạo và sự khéo léo cần thiết cho cuộc sống của chính nó.
Sự huấn luyện không nên có khi có khách hiện diện hoặc khi đi ra ngoài. Trong những trường hợp như thế, đứa trẻ sẽ hành động như nó quen hành động. Nếu cha mẹ muốn con mình hành động nơi công cộng, họ phải huấn luyện nó ở nhà. Nếu hành vi của nó không thích hợp với hoàn cảnh, cách giải quyết tốt nhất là đưa nó đi khỏi đó một cách im lặng.
lm.levanquang.