1.Mục tiêu:
Mục tiêu cơ bản của khen thưởng là thắt chặt mối quan hệ năng động và hài hòa, cũng như tăng cường và củng cố hiệu quả đóng góp và xây dựng của người khác.
2. Bốn lọai phản hồi:
Khen thưởng và khích lệ như vậy là một loại phản hồi hay là phản ánh có khả năng gây ý thức cho trẻ hay người cộng sự về thực trạng và thực thể của mình:
Tôi có giá trị không?
Tôi có được thương yêu, chiều chuộng hay không?
Công việc tôi làm, thành đạt và có hiệu quả hay thất bại?
Có bốn loại phản hồi:
2.1- Phản hồi bắt lỗi:
Bới lông tìm vết, chỉ trích, phê bình tập trung vào những thiếu sót, khuyết điểm hay là thất bại.
2.2- Phản hồi thiếu vắng:
Thinh lặng, không có mặt, không để ý đến những cố gắng và thiện chí thực sự của những người đang làm việc và sinh sống với chúng ta.
2.3- Phản hồi tích cực và năng động:
Chúng ta ghi nhận, lưu tâm đến những thành tựu nho nhỏ vừa hình thành và xuất hiện, để khen thưởng, khích lệ, tăng cường và củng cố.
Khi được khích lệ và khen thưởng như vậy, một cách đúng lời và đúng lúc, trẻ sẽ ý thức được giá trị thực sự của mình và phát huy lòng tự tin.
2.4- Phản hồi chuyển hóa:
Khi thực trạng còn có những thiếu sót hoặc khuyết điểm, thái độ của chúng ta không phải là nhắm mắt làm ngơ, nhưng là khám phá cho kỳ được đâu là điểm tựa và bàn đạp để “dời núi lấp biển”. Phải chăng đàng sau mỗi hành vi tiêu cực, trì trệ, thực chất của con người vẫn còn có những năng động “đóng góp, vươn lên” hay là những điểm tích cực.
Thay vì tập trung vào những điểm tiêu cực, chúng ta còn có những chọn lựa khác, những ưu tiên khác, những quy chiếu khác, những kích thước khác.
Thay vì nhìn từ ngoài, hay lắng nghe người trong cuộc, đặt mình vào vị trí của người trong cuộc.
Thay vì áp đặt một lối nhìn của chính mình, chúng ta hãy cho phép kẻ khác đóng góp ý kiến.
Phải chăng để có thể dạy, chúng ta hãy can đảm và khiêm tốn làm người “học trò”.
Thay vì thiết lập quan hệ trên dưới, chúng ta hãy chia sẻ và đồng hành. Quan điểm của bàn chân chưa hẳn là vô ích và vô giá trị, khi bộ não phải lấy một quyết định quan trọng cho toàn thể cơ thể.
3. Điều kiện làm việc:
Để có thể tiến đến những “cách làm mới”, “những lối nhìn mới” của của “con người mới”, chúng ta hãy bắt đầu thiết lập quan hệ “người thắng tôi thắng, chúng ta cùng thắng với nhau”. Theo lối nói của Stephen Cover đó là loại quan hệ “tương tức và tương sinh, tương tạo và tương thành”. Nói khác đi, không ai là chủ, không ai là nô lệ, không ai có quyền độc tôn, chỉ biết ra lệnh và coi kẻ khác là người “phải dựa cột mà nghe và phải chấp hành”.
Một cách đặc biệt trong quan hệ giáo dục, cha mẹ hãy biết lắng nghe con cái đang ngày ngày đặt ra cho chúng ta những câu hỏi như sau:
Con là ai?
Con có giá trị hay không?
Con có được yêu thực sự và trọn vẹn với tư cách là một chủ thể toàn phần hay không?
Con làm được gì trong cuộc sống thành người?
Và chúng ta đang trả lời thế nào cho con cái?
Sài Gòn, Hè 2006
Nguyễn Văn Thành
Sách tham khảo:
Ken Blanchard “Sức mạnh của sự khích lệ”- NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2006.
Spencer Johnson “Những quyết định thay đổi cuộc sống”-NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2005.