Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

BBT CGVN YouTube
Thánh Kinh Công Giáo
Cầu nguyện bằng email
Hội Đồng Giám Mục VN
Liên Lạc

Văn Kiện Vatican 2

Lectio divina

Suy Niệm & Cầu Nguyện

Học Hỏi Kinh Thánh

Lớp KT Sr Cảnh Tuyết

Nova Vulgata

Sách Bài Đọc UBPT

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

GH. Đồng Trách Nhiệm

TAN TRONG ĐẠI DƯƠNG

Video Giảng Lời Chúa

Giáo Huấn Xã Hội CG

Tuần Tin HĐGMVN

Vụn Vặt Suy Tư

Giáo Sĩ Việt Nam

ThăngTiến GiáoDân

Bản Tin Công Giáo VN.

Chứng Nhân Chúa Kitô

Thánh Vịnh Đáp Ca

Phúc Âm Nhật Ký

Tin Vui Thời Điểm

Tin Tức & Sự Kiện

Văn Hóa Xã Hội

Thi Ca Công Giáo

Tâm Lý Giáo Dục

Mục Vụ Gia Đình

Tư Liệu Giáo Hội

Câu Chuyện Thầy Lang

Slideshow-Audio-Video

Chuyện Phiếm Gã Siêu

Các Tác Giả
  Augustinô Đan Quang Tâm
  Đinh Văn Tiến Hùng
  Ban Biên Tập CGVN
  Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
  Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.
  Bùi Nghiệp, Saigon
  Bosco Thiện-Bản
  Br. Giuse Trần Ngọc Huấn
  Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
  Dã Quỳ
  Dã Tràng Cát
  Elisabeth Nguyễn
  Emmanuel Đinh Quang Bàn
  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
  EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
  Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
  Fr. Huynhquảng
  Francis Assisi Lê Đình Bảng
  Gia Đình Lectio Divina
  Gioan Lê Quang Vinh
  Giuse Maria Định
  Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai
  Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
  Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
  Gm. JB. Bùi Tuần
  Gm. Nguyễn Thái Hợp, op
  Gm. Phêrô Nguyễn Khảm
  Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
  Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
  Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
  Gs. Nguyễn Đăng Trúc
  Gs. Nguyễn Văn Thành
  Gs. Phan Văn Phước
  Gs. Trần Duy Nhiên
  Gs. Trần Văn Cảnh
  Gs. Trần Văn Toàn
  Hạt Bụi Tro
  Hồng Hương
  Hiền Lâm
  Hoàng Thị Đáo Tiệp
  Huệ Minh
  HY. Nguyễn Văn Thuận
  HY. Phạm Minh Mẫn
  JB. Lê Đình Nam
  JB. Nguyễn Hữu Vinh
  JB. Nguyễn Quốc Tuấn
  Jerome Nguyễn Văn Nội
  Jorathe Nắng Tím
  Jos. Hoàng Mạnh Hùng
  Jos. Lê Công Thượng
  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
  Joseph Vũ
  Khang Nguyễn
  Lê Thiên
  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
  Lm Đaminh Hương Quất
  Lm BÙI NINH, Gp Bùi Chu
  Lm. Anmai, C.Ss.R.
  Lm. Anphong Ng Công Minh, OFM.
  Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Lm. Đan Vinh, HHTM
  Lm. Đỗ Vân Lực, op.
  Lm. G.Trần Đức Anh OP.
  Lm. GB. Trương Thành Công
  Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  Lm. Gioan Hà Trần
  Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
  Lm. Giuse Lê Công Đức
  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
  Lm. Giuse Trần Đình Thụy
  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
  Lm. Inhaxio Trần Ngà
  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
  Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.
  Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
  Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
  Lm. Jos Đồng Đăng
  Lm. Jos Cao Phương Kỷ
  Lm. Jos Hoàng Kim Toan
  Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
  Lm. Jos Nguyễn Văn Nghĩa
  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
  Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  Lm. Jos Trần Đình Long sss
  Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm
  Lm. Lê Quang Uy, DCCT
  Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
  Lm. Linh Tiến Khải
  Lm. Martin Ng Thanh Tuyền, OP.
  Lm. Minh Anh, TGP. Huế
  Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.
  Lm. Ng Công Đoan, SJ
  Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry
  Lm. Nguyễn Hữu An
  Lm. Nguyễn Thành Long
  Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
  Lm. Pascal Ng Ngọc Tỉnh
  Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
  Lm. Phạm Văn Tuấn
  Lm. Phạm Vinh Sơn
  Lm. PX. Ng Hùng Oánh
  Lm. Raph. Amore Nguyễn
  Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
  Lm. Tôma Nguyễn V Hiệp
  Lm. Trần Đức Phương
  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
  Lm. Trần Minh Huy, pss
  Lm. Trần Việt Hùng
  Lm. Trần Xuân Sang, SVD
  Lm. TTT. Võ Tá Khánh
  Lm. Vũ Khởi Phụng
  Lm. Vĩnh Sang, DCCT
  Lm. Vinh Sơn, scj
  Luật sư Đoàn Thanh Liêm
  Luật sư Ng Công Bình
  Mẩu Bút Chì
  Mặc Trầm Cung
  Micae Bùi Thành Châu
  Minh Tâm
  Nữ tu Maria Hồng Hà CMR
  Nguyễn Thụ Nhân
  Nguyễn Văn Nghệ
  Người Giồng Trôm
  Nhà Văn Hương Vĩnh
  Nhà văn Quyên Di
  Nhà Văn Trần Đình Ngọc
  Nhạc Sĩ Alpha Linh
  Nhạc Sĩ Phạm Trung
  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
  Phaolô Phạm Xuân Khôi
  Phêrô Phạm Văn Trung
  Phó tế Giuse Ng Xuân Văn
  Phó tế JB. Nguyễn Định
  Phùng Văn Phụng
  Phạm Hương Sơn
  Phạm Minh-Tâm
  PM. Cao Huy Hoàng
  Sandy Vũ
  Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP
  Sr. M.G. Võ Thị Sương
  Sr. Minh Thùy, OP.
  Têrêsa Ngọc Nga
  Tín Thác
  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt
  TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
  Thanh Tâm
  thanhlinh.net
  Thi sĩ Vincent Mai Văn Phấn
  Thiên Phong
  Thy Khánh
  Thơ Hoàng Quang
  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
  Tiến Sĩ Trần Xuân Thời
  Trầm Tĩnh Nguyện
  Trầm Thiên Thu
  Trần Hiếu, San Jose
  Vũ Hưu Dưỡng
  Vũ Sinh Hiên
  Xuân Ly Băng
  Xuân Thái
Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
  Chuyện Phiếm Gã Siêu
ÔNG KHỦNG BỐ

 

Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, không phải chỉ là một biến cố làm rụng rời tay chân trên toàn nước Mỹ, mà còn là một biến cố làm cho kinh hồn khiếp vía cho cả và nhân loại đang sống trên mặt đất này.

Nhìn những chiếc máy bay dân sự chở đầy hành khách đâm sầm vào Trung tâm Thương mại quốc tế tại Nữu Ước, bổ nhào xuống Lầu Năm góc của bộ quốc phòng, hay rơi trên sa mạc bang Pensylvania, ai mà chẳng cảm thấy khiếp đảm.

Nhìn những  đống đổ nát của tòa tháp đôi, quả thật là không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, ai mà chẳng thở dài ngao ngán :

- Ngày tận thế cũng đến vậy là cùng.

Nhìn những nạn nhân bị thiệt mạng trong ngày kinh hoàng ấy, ai mà chẳng xót xa và muốn chia sẻ bằng những giọt nước mắt bồi hồi xúc động của mình.

Sáng hôm ấy, khi nhìn và nghe tin tức trên truyền hình, gã cũng đã bàng hoàng sửng sốt. Trước một cú đánh bất ngờ, chẳng ai lường trước được, gã đã phải băn khoăn tự hỏi :

- Tại sao người ta lại có thể hành động một cách dã man đến như thế.

Thời gian vẫn cứ tiến tới bằng những bước chân âm thầm. Một năm đã trôi qua. Một năm nhiều xáo trộn. Một năm nhiều bạo lực. Nào những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Nào là bầu khí ngột ngạt tại Trung Đông giữa Do Thái và Palestine, với những “trái bom sống”, hay nói cách khác với những “người bom”, nghĩa là những người ôm bom sẵn sàng để chết hầu mong giết được nhiều kẻ thù của mình.

Chính trong bối cảnh ấy mà hai chữ “khủng bố” được bàn dân thiên hạ nói đến nhiều nhất. Vậy khủng bố là như thế nào ?

Để đưa ra một định nghĩa chuẩn xác gã bèn phải bật tự điển, để mà nói có sách mách có chứng, thế nhưng vẫn không thoát khỏi những kẻ xấu bụng cho rằng :

- Ôi dào, gã ấy chỉ thông thái nhờ sách vở mà thôi. Cái hạng “doctus cum libro” thì ăn cái giải gì cơ chứ.

Thôi thì cũng đành phải cắn răng chịu vậy bởi vì mình thì có giỏi giang chi với ai. Theo tự điển thì :

- Khủng là làm cho người ta sợ hãi.

- Bố là kinh hoàng sợ hãi, ngoài ra còn có nghĩa là tra xét, bắt bớ, đánh đập, cướp bóc…chẳng hạn như nói : đi bố ráp.

Và như vậy :

- Khủng bố là dùng những hành động tàn bạo làm cho người ta sợ hãi. Một đôi khi khủng bố cũng còn có nghĩa là chửi mắng để làm cho người ta lo sợ.

Trên lý thuyết, hễ dùng bạo lực để làm cho người ta sợ hãi, thì được phong làm khủng bố, nhưng trong thực tế, sự việc lại không đơn giản như vậy.

Hồi đệ nhị thế chiến, nếu gã nhớ không lầm, thì những anh chàng phi công gan dạ của Nhật Bản, lái máy bay đâm thẳng xuống những chiến hạm Mỹ và đã tạo được một chiến thắng lừng lẫy tại Trân Châu Cảng, khiến Mỹ phải kinh hoàng…nhưng chẳng ai dám gọi họ là quân khủng bố cả.

Hiện thời, khó mà phân định về những hành động khủng bố, bởi vì nó còn tùy thuộc vào cái nhìn chủ quan, vào cái lập trường chính chị chính em của mình.

Chẳng hạn việc đâm máy bay dân sự vào tòa tháp đôi, hầu như mọi người đều coi đó là hành động khủng bố, nhưng dưới mắt ông Bin Laden, thì đó lại là một hành động tử đạo, chắc chắn sẽ được đấng Allah ân thưởng bội hậu.

Chẳng hạn việc ôm bom tự sát để giết cho được nhiều người Do Thái, chúng ta cho đó là hành động khủng bố, nhưng dưới mắt dân  Palestine, thì đó lại là hành động can đảm và anh hùng, một hành động yêu nước và cứu dân. Thật đúng như mấy ông tây đã bảo :

- Ố là là, chân lý thì ở bên kia dãy núi Pyrénées!!!

Nhưng dù sao chăng nữa thì hầu như mọi người đều phải công nhận rằng thế giới hôm nay đã bị in đậm dấu ấn của bạo lực. Thực vậy, bạo lực xuất hiện trên báo chí với những câu chuyện về vụ án cướp của giết người. Bạo lực xuất hiện trên phim ảnh, người ta giết nhau dễ dàng như trở bàn tay với những lý do chẳng đâu vào đâu. Bạo lực xuất hiện trong những trò chơi điện tử làm cho những em nhỏ còn hoi mùi sữa đã làm quen và rành rẽ việc bắn giết nhau.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là bạo lực đã có mặt khắp nơi trong cuộc sống thường ngày dưới nhiều hình thức khác nhau. Và nếu cần phải dán nhãn hiệu trình tòa cho thế giới hôm nay, có lẽ gã sẽ phải ghi một chữ “bạo” thật to, bởi vì người ta đã tỏ ra táo tợn và hung dữ trong nhiều lãnh vực. Vì thế, chữ bạo này cũng được thiên biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi. Gã chỉ xin kê đơn hoàn tán một số kiểu “bạo” vốn hay gặp thấy mà thôi.

Thứ nhất là bạo nghĩ. Con người thời nay nghĩ rất táo tợn, nhất là nghĩ xấu cho người khác. Thấy một hành động bất ổn là vội vàng phê bình, chỉ trích và kết án, rồi lại còn thêm mắm thêm muối, vẽ râu vẽ ria cho thêm phần lâm ly bi đát.

Thứ hai là bạo ăn. Con người thời nay rất phàm ăn. Ăn tuốt luốt từ con tép cho đến con voi. Hầu như tất cả mọi thứ trên đời này đều phục vụ cho cái lỗ miệng của con người. Người ta ăn cho khoái khẩu, nhằm thỏa mãn mọi vui thú cho sướng cái thân mình. Thậm chí ngay cả những thứ không ăn được, thế mà thiên hạ vẫn cứ thích xơi, thích đớp như thường, chẳng hạn như ăn tiền, ăn cướp, ăn hối lộ…Họa may chỉ có ăn đòn là “em chả dám đâu”.

Thứ ba là bạo nói. Con người thời nay hay nói vung thiên địa, thích những ngôn từ đao to búa lớn của nghề quảng cáo, cứ nói và nhất là nói hành nói xấu, sẵn sàng chụp mũ và đổ lên đầu người khác đủ mọi giống tội, mà chẳng thèm để ý tới những hậu quả gây nên cho nạn nhân.

Thứ bốn là bạo làm. Con người thời nay thực hiện rất nhiều hành động hung dữ dựa trên sức mạnh, nên rất khoái những hình thức bạo động. Hiền lành và  khiêm nhường là hèn nhát. Đấu tranh bất bạo động quả là “xưa rồi Diễm ơi”. Họ đánh mình một, thì lập tức mình phải đánh trả mười. Cũng vì vậy, mặc dù tự do và nhân quyền được nói đến hoài hoài mỏi cả miệng, thế mà xã hội vẫn đẻ ra những tên bạo chúa và những chế độ bạo quyền.

Sau cùng, thứ năm là bạo tàn. Con người thời nay thích tàn phá danh dự và hạnh phúc của kẻ khác. Đã vùi dập ai thì phải vùi dập cho tới tận bùn đen khiến họ không thể ngóc đầu lên nổi, khiến họ phải thân bại danh liệt và khiến cuộc đời họ kể như đi đoong luôn…Như thế mới hả lòng hả dạ.

Bây giờ, gã xin trở lại với chuyện khủng bố. Khi nói tới khủng bố là gã nghĩ  ngay tới những phần tử đối lập quá khích, dùng bạo lực làm cho người ta khiếp sợ, để rồi từ đó đưa ra những đòi hỏi, những yêu sách của mình. Khi nói tới khủng bố là gã hình dung ra những tên không tặc, mặt đằng đằng sát khí, súng kè kè bên hông, tay cầm trái lựu đạn đã mở chốt nhằm uy hiếp hành khách cũng như phi hành đoàn…

Đây là thứ khủng bố có bài bổn và mang tầm mức quốc tế, hay ít nữa cũng mang tầm mức quốc gia. Tuy nhiên, trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, gã cũng thấy khủng bố có mặt trong mối liên hệ giữa những cá nhân với nhau. Thực vậy, nếu hiểu khủng bố là làm cho người khác khiếp sợ, tinh thần trở thành bạc nhược để rồi cuối cùng phải cúi đầu tuân theo những yêu cầu, những đòi hỏi được đưa ra, thì gã thấy rất nhiều lần chúng ta cũng đã khủng bố lẫn nhau.

Phương tiện dùng để khủng bố, có thể bằng lời nói và cũng có thể bằng việc làm. Trước hết là bằng lời nói. Gã thấy có những ông bố mở miệng ra là chửi bới và cấm đoán, khiến cho con cái khiếp sợ. Hình như họ muốn dùng phương thế khủng bố để giáo dục con cái mình, nghĩa là làm cho con cái phải sợ mà vâng lời. Thế nhưng, biện pháp khủng bố này thường không đem lại những kết quả mong muốn.

Có hai ông bố thường răn đe con cái của mình như sau :

- Kỳ thi này, mày phải đỗ, bằng không thì đừng vác mặt về nhà.

Con cái của họ học lấy học để, học ngày không đủ tranh thủ học đêm, nhưng bị sao quả tạ chiếu tướng, học tài thi phận, cuối cùng đều rớt. Vì không dám vác  mặt về nhà, anh con giai thì bỏ đi bụi đời, còn chị con gái  thì nhảy xuống cầu Bình Lợi mà tự tử.

Gã quen một vị gia trưởng. Vị này rất là oai phong lẫm liệt, nhưng chỉ vì cái thói độc tài và độc đoán, bất cứ lời nào phán ra, đều chắc như đinh đóng cột, vợ con phải răm rắp tuân theo, bằng không thì e rằng khó sống với vị ấy…Mặc dù chưa dùng tới bạo lực và bạo hành, nguyên cái chuyện bạo ngôn mà thôi cũng đủ khiến vợ con căng thẳng, bạc nhược để rồi đứa thì đi với mẹ, đứa thì kiếm cớ công việc làm ăn giã từ vị gia trưởng đáng kính ấy, tìm nơi khác sinh sống. Bây giờ, tuổi đời đã xế chiều, vị gia trưởng ấy chỉ sống cu ki một mình trong căn nhà rộng. Vợ con vẫn chưa hết sợ để  tìm đường đoàn tụ, “tung cánh chim  tìm về tổ ấm”.

Khi mới quen và yêu nhau, anh tỏ ra là một chàng trai ga lăng, mềm mỏng. Nhưng khi cá đã mắc câu rồi, thì anh không còn giữ gìn ý tứ với chị nữa. Anh luôn quát nạt, chửi mắng và dùng lời lẽ thô tục với chị, khiến chị phải cắn răng chịu đựng…(PNCN số 25).

Tiếp đến là bằng việc làm, tức là dùng bạo lực với những hành động vũ phu, tàn ác theo kiểu bạo hành, bạo động…để trấn áp khiến đối phương  phải hồn xiêu phách lạc. Chẳng hạn cha mẹ thì đánh đập con cái, chồng thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ.

Gã xin ghi lại một số những sự kiện được đăng tải trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, để thấy rằng tình trạng khủng bố về tinh thần cũng như về thể xác đã, đang và sẽ còn liên tục phát triển dù rằng mọi người đều công nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Theo thống kê trên toàn thế giới, cứ mười lăm giây lại có một phụ nữ bị bạo hành trong giai đoạn yêu đương. Riêng tại Việt Nam, đến 70% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình và 85% trường hợp ly hôn là do bạo hành. (PNCN số 25).

Có một bà vợ trót dại yêu thương một người bạn đồng nghiệp. Thấy nguy cơ gia đình tan vỡ, bà bèn dừng lại và thú nhận, mong được chồng tha thứ. Ông chồng chỉ yêu cầu bà vợ viết tờ kiểm điểm. Rồi hàng ngày trước giờ ăn, ông bắt bà đọc tờ kiểm điểm trước mặt chồng con. Từ khi thằng cu Bi năm tuổi bây giờ nó đã thi đại học, bà vẫn phải đọc. Xấu hổ với con, bà xin ông được chấm dứt hình phạt đó, nhưng ông bảo ông vẫn còn nhục lắm. Chuyên viên tư vấn kiên nhẫn giải thích, ông vẫn phớt lờ. Chuyện gia đình ông không muốn người ngoài chen vào. Vậy là lúc vợ ngoại tình gia đình không tan vỡ, nhưng đến khi ròng rã năm này qua năm nọ phải đọc kiểm điểm, bà hết chịu nổi, nên đòi được ly hôn…Phải chăng đó chính là một sự khủng bố về tinh thần. (PNCN số 26).

Ngắm nhìn bà xã trong chiếc áo thung bó sát người, chiếc váy mềm mại, một ông chồng khác đã ngẩn người say đắm, nhưng cũng chính vì thế mà ông không chịu nổi ánh mắt của những gã khác nhìn vợ mình. Và thế là…bao nhiêu cái  áo, váy đẹp của vợ, ông cắt, xé cho bằng hết. Có thể vợ ông không tơ tưởng đến ai, cũng có thể chẳng gã nào cố tình tán tỉnh, nhưng nếu vợ ông cứ “khoe hàng” trước mặt bọn đàn ông, thì sẽ dễ nảy sinh tội lỗi. (PNCN số 26).

Bạo hành và khủng bố không phải chỉ có mặt trong gia đình, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, nhưng còn có mặt ở nhiều lãnh vực khác nữa.

Chẳng hạn giữa chủ và thợ : báo chí đã đăng tải nhiều tin tức liên quan tới các công nhân Việt Nam làm việc trong các công ty hay xí nghiệp của Đại Hàn. Họ đã bị những ông chủ “Sâm Cao Ly” đánh đập một cách tàn nhẫn.

Chẳng hạn giữa thày cô và học trò. Báo Công An Thành Phố mới đăng một mẩu tin như sau : Sau khi ra chơi tập thể dục giữa giờ, em Bằng và em Phúc, con cô giáo, chạy xô vào nhau và cùng ngã. Bằng đã xin lỗi Phúc. Cùng lúc ấy, một em khác nói với Bằng : xin lỗi không được đâu, tí nữa cô giáo đánh bạn đấy. Câu nói ấy đã là lời cảnh báo. Khi trống vào lớp được 5-10 phút, Bằng từ khu văn phòng nhà trường về, xin vào lớp, cô giáo đang giảng bài, sa sầm nét mặt, tay cầm thước tiến đến gần Bằng vụt mạnh vào tay phải em và giật giọng nói : Vào lớp đi. Bằng bị đứng ở cuối lớp, sau đó cô giáo nói : Cái thằng kia không biết đau đâu, cả lớp xuống đấm cho nó thối phổi, cho nó chết đi. Ngay sau lời nói của cô, những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đã biến thành công cụ trả thù của cô giáo. Bị đau và lo sợ trước lời dọa nạt, Bằng về không dám nói với gia đình. Hôm ấy Bằng không ăn cơm tối, không học bài, đêm đến lại sốt cao. Mẹ gặng hỏi mãi, Bằng mới ghé sát tai mẹ và nói : Con nói với mẹ nhưng mẹ đừng nói với ai, cô giáo xui các bạn đánh vào bụng con. Mẹ vạch áo con thấy nhiều chỗ thâm tím đã òa khóc. Bắt đầu từ hôm ấy, Bằng luôn sống trong tình trạng hoảng loạn : cơm không ăn, bài không học, đêm chạy loạn xạ khắp nhà, đặt lưng xuống là nói sảng và giật mình thon thót. (CATPHCM số 1065).

Bình thường thì những người có chức có quyền, hay nói cách khác, những kẻ được coi là bề trên mới khủng bố những người bề dưới, chẳng hạn : chồng đối với vợ, chủ đối với thợ, cha mẹ đối với con cái, thày cô đối với học trò…Thế nhưng, sự việc đâu có thẳng ruột ngựa như vậy, mà luôn có những chuyện tréo chẳng ngỗng và ngược đời.

Chẳng hạn con cái khủng bố cha mẹ. Một cậu quí tử đã nói với cha mẹ rằng : nếu không cho tiền sắm chiếc xe đời mới thì sẽ đi chích choác mang cái bệnh Sida về nhà. Một cô gái rượu đã nói với n đấng sinh thành của mình như sau : nếu không cho đi chơi, thì sẽ tìm cách mang một bầu để nằm ở nhà chờ…đẻ. Những lời phát ngôn trên khiến cho cha mẹ phải  phát kinh phát khiếp.

Chẳng hạn học trò khủng bố thày cô. Từ lâu rồi không hiếm những chuyện học trò hành hung thày cô, khiến cho thiên hạ phải than rằng : bọn trẻ bây giờ không còn tiên học lễ hậu học văn nữa, nhưng là tiên học…võ hậu học văn, để bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng chơi  cái ngón bạo lực.

Và nhất là đờn bà khủng bố đờn ông. Chẳng hạn vợ khủng bố chồng. Ai trong chúng ta cũng biết  Socrates. Ông là một triết gia lừng danh thời cổ xưa của Hy lạp. Triết lý của ông ngày nay vẫn còn giá trị. Nhưng ác hại thay, đang khi ông là một  bậc thày đáng kính của đông đảo môn đệ và sau này muôn thế hệ vẫn coi ông như một bậc tôn sư, thì ông lại là nạn nhân của một bà vợ. Bà đã chanh chua, khinh rẻ ông là hạng trói gà không chặt. Lần kia sau khi đã chửi bới ông một trận kịch liệt, bà đã tặng cho ông nguyên cả một chậu nước dơ lên người, nhưng ông vẫn thản nhiên và nói : Tôi biết mà, sau khi đã có sấm chớp thì tất nhiên trời sẽ đổ mưa.

Chẳng hạn bạn gái khủng bố bạn trai. Nàng đặt ra một cái lệ bắt chàng nhất nhất phải tuân theo : mỗi lần hẹn cứ đến trễ năm phút là bị một cái nhéo đau điếng vào bụng. Chàng là một người tham công tiếc việc nên cũng thường xài giờ dây thung với bạn mình, thế là suốt một tuần, chàng không dám ở trần trong nhà vì sợ mẹ nhìn thấy những vết bầm. Nhéo bụng chán, nàng chuyển sang ngắt vào cánh tay, có lần vết ngắt nung mủ làm chàng phải đi sát trùng rồi băng lại. Mấy bữa chàng bụng bầm, tay nhức nhưng nàng không hề nao núng, thực hiện tiếp chiêu cắn lên bả vai. Đi làm cả ngày mình mẩy ê ẩm, tưởng gặp người yêu thì được chăm sóc, thư giãn, nào dè lại còn bị hành hạ thêm, đó là chưa kể những màn đay nghiến xỉ vả…(PNCN số 27).

Một trường hợp khác cũng không kém phần quái đản. Anh là một người hiền lành ít nói, còn chị lúc nào cũng ào ào và thẳng thắn, chính vì vậy mà chị luôn lấn lướt anh. Vào dịp sinh nhật một nhỏ bạn trong nhóm. Nhỏ bạn mời cả nhóm đến quán ăn, ai có bạn trai cũng được mời theo. Hôm ấy có anh và một vài người nam khác. Đang ăn uống vui vẻ thì một bạn nam đề nghị : bốn người nam uống một chai chúc mừng sinh nhật chủ nhân, còn các bạn nữ thì uống nước ngọt. Anh tán thành : Ừ được đó. Chị trừng mắt nhìn : Anh đừng uống, tối còn đưa em về nữa. Cả nhóm đồng thanh : Không sao đâu, uống một chai cho vui. Rồi như sợ mất mặt bạn bè, anh gọi lớn : Cho một chai bia Saigon. Không còn êm dịu nữa, chị chồm dậy túm lấy cổ áo của anh : tôi đã bảo anh thôi mà, sao anh lì quá vậy. Mọi người sửng sốt . Ai cũng can : Thôi, không uống thì thôi, làm gì mà nóng vậy. Chẳng nói chẳng rằng, anh đứng lên và bỏ đi…Lần khác,  chị dặn anh đón chị đi sinh nhật một người bạn.  Anh đến trễ, rồi trên đường đi anh quẹt xe trúng người ta, may mà không có chuyện gì. Chị tức giận với anh và vung tay tát anh một cái vì tội đi ẩu. Sau hai năm quen nhau với những giận hờn, cuối cùng họ đã chia tay nhau thật sự. Bây giờ thì chị sống ở ngoại quốc. Trong một bức thư đã khuyên bạn mình như sau : Mày phải nhẹ nhàng với ông xã của mày! Đàn ông ai cũng thích ngọt, ai cũng thích phụ nữ tụi mình dịu dàng. Mỗi lần nghĩ đến chuyện ngày xưa, tao lại thấy mình có lỗi và nông nổi quá chừng….(PNCN số 29).

Để kết thúc, gã xin kể lại một câu chuyện vui nhưng có thật “chăm phần chăm”, của một bậc đáng kính mà gã xin gọi là “Ông Khủng Bố”. Thế nhưng, tại sao lại gọi bậc đáng kính ấy là ông khủng bố, thì xin quí vị kiên nhẫn xem tiếp phần sau ắt sẽ rõ.

Ông khủng bố của gã là một vị chức sắc trong Giáo hội, vừa là cha sở lại vừa là đấng bề trên của một hội dòng, có cơ sở ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Vì thế mà xuân thu nhị kỳ, một năm ít là hai lần ông khủng bố được đi chu du nước Mỹ, gọi là để thanh tra các kẻ bề dưới. Thấy ông khủng bố đi Mỹ như đi chợ, gã thèm giỏ dãi nên có lần đã than ngắn thở dài :

- Một là làm bề trên, hai là làm bề dưới, chứ đừng làm bề ngang. Bởi vì bề trên thì được ưu đãi, còn bề dưới thì được dễ dãi chẳng ai thèm ngó tới. Chứ bề ngang ấy hả…gian nan lắm, khó khăn lắm.

Sau ngày 11 tháng 9 mấy tháng, ông khủng bố bay từ Thụy Sĩ qua Mỹ. Ai cũng tưởng chuyến đi sẽ gặp nhiều sự nhiêu khê phức tạp, nhất là cái khâu khám xét để đề phòng khủng bố. Thế nhưng, sau chuyến đi, ông khủng bố đã hăng tiết vịt cho biết như sau :

- Nhìn cái “mác” linh mục cũng như cái bản mặt hiền khô của mình, chẳng ma nào nó khám xét cả. Máy bay vắng khách, rộng thênh thang, tha hồ mà ngủ. Mình đã làm một giấc dài trong suốt chuyến đi, khỏe re, chẳng giống con bò kéo xe chút nào, bù lại những đêm thức trắng vì bận rộn công việc.

Đó là chuyến đi êm ru bà rù hồi năm ngoái. Còn năm nay, ông khủng bố cũng làm một chuyến công du qua Mỹ. Nhưng năm nay khác năm ngoái và ông khủng bố của gã đã gặp rắc rối to. 

Số là ông khủng bố mua vé máy bay theo lộ trình Thụy Sĩ – Dallas – New-Orleans, nhưng khi tới Dallas, ông khủng bố ghé thăm một người cháu. Thiên hạ thường bảo :

- Một người cháu bằng sáu thằng kẻ cướp.

Thế nhưng, người cháu của ông khủng bố lại chẳng giống thế chút nào. Trái lại, rất thương ông cậu, nên đã lặng lẽ mua vé máy bay của một hãng khác, nhiều tiện nghi hơn để ông cậu đỡ  đau lưng, mà chẳng hề báo cho hãng máy bay cũ. Cũng do cái sự không thông báo, không đi máy bay hãng cũ mà lại đi máy bay hãng khác, nên khi trở về Thụy sĩ, bậc đáng kính đã gặp phải  nhiều phiền toái ngoài ý muốn, bởi vì bọn “xịa”,  bọn an ninh cho rằng bậc đáng kính có vấn đề, nên phải đổi máy bay trong cùng một ngày với hai hãng khác nhau. Nói trắng ra là họ nghi ngờ bậc đáng kính có ý đồ đen tối, nên đã thông báo đi khắp nơi phải canh chừng, bởi vì rất có thể hắn ta là quân khủng bố.

Sau khi thanh tra các “kẻ bề dưới”, bậc đáng kính cảm thấy hài lòng vì đã làm sáng danh cha, sáng danh con và sáng danh dòng ta mọi bề, liền vui vẻ khăn gói quả mướp lên đường trở về.

Chuyến bay vì phải vòng qua Luân Đôn trước khi đáp xuống Thụy Sĩ, nên phải đổi nhiều lần. Tại bất cứ phi trường nào, bậc đáng kính đều được chiếu cố khám xét kỹ lưỡng, rồi lên máy bay xong xuôi, thì cô tiếp viên mới “phôn” xuống khu vực hành lý và báo cho biết :

- Kẻ tình nghi đã…an tọa, có thể chuyển hành lý của hắn ta lên.

Sở dĩ thiên hạ hành động như vậy là để ăn chắc và bảo đảm an toàn, vì nghĩ rằng một khi ông khủng bố có mặt trên máy bay thì chẳng khác gì đã chui đầu vào…rọ. Chứ còn người không lên mà hành lý cứ lên, nhỡ xảy ra bom nổ thì biết túm tóc ai bây giờ.

Hơn thế nữa, mấy cô tiếp viên hàng không, khuôn mặt thì đẹp, nhưng cái nhìn lại chẳng đẹp tí nào bởi vì cái nhìn ấy chất chứa những nghi ngờ, như thầm nói :

- Cần phải dè chừng.

Bực cả và mình, bậc đáng kính bèn nói toáng lên với một cô tiếp viên như sau :

- Cái bản mặt tôi hiền như cục đất thế này mà lại là dân khủng bố, ác ôn côn đồ hay sao ?

Thế nhưng, cô tiếp viên hàng không vẫn cười mím chi và trả lời tỉnh bơ :

- Ngài không bị tình nghi, nhưng vé máy bay của ngài bị tình nghi. Ngài không có vấn đề, nhưng vé máy bay của ngài có vấn đề. Ngài không phải là dân khủng bố, nhưng biết đâu hành lý của ngài lại là thứ dùng để khủng bố.

Cáu sườn, bậc đáng kính bèn phán :

- Thì cứ việc khám xét : mấy cuốn sách, vài bộ quần áo và dăm ba hộp kẹo để nhai cho đỡ buồn, họa chăng có giết được ruồi chứ nào giết được ai ?

Cô tiếp viên vẫn lịch sự nói :

- Ấy là để đề phòng thôi mờ!!!

Rồi cúi đầu đáp lễ bậc đáng kính bằng một nụ cười tủm tỉm.

Máy bay ghé Luân Đôn và phải chờ bốn tiếng đồng hồ. Đầu óc căng thẳng và mệt mỏi, bậc đáng kính bèn phớt tỉnh như dân ăng lê, xem thường thiên hạ và coi  mọi người như cỏ rác, nên đã nằm lăn ra trên băng ghế công cộng, khò một giấc cho đỡ khổ cuộc đời. Thiên hạ kẻ qua người lại, nhòm nhòm ngó ngó và thì thầm :

- Coi bộ chân cẳng cũng cao ráo, chẳng đến nỗi tệ lậu, thế mà lại là dân du thử du thực, đầu đường xó chợ, cầu ba cầu bất, nên mới lăn quay ra đây há miệng mà ngủ.

Trong lúc lơ tơ lơ mơ như thế, bậc đáng kính hình như loáng thoáng nghe thấy tiếng chân một vài người Việt Nam đi qua và nói lèo xèo những chi không rõ. Ôi quả thực xác thịt thì nặng nề lắm lắm.

Rồi cũng về tới Thụy Sĩ, kết thúc một chuyến đi đầy bão táp. Và cũng vì thế, gã đã vô phép gọi bậc đáng kính ấy bằng danh xưng “Ông Khủng Bố”.

Bây giờ hẳn quí vị đã biết Ông Khủng Bố của gã là ai. Nếu biết, xin vui lòng thông báo gấp rút cho tòa soạn, để tòa soạn kịp thời đề phòng bởi vì thời buổi nhiễu nhương, chẳng tin giai gái nào cả. Bảo đảm chắc chắn quí vị sẽ nhận được phần thưởng lớn lắm đấy ?

Tác giả:  Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!