Trong cuộc sống của thế giới văn minh ngày nay, con người có xu thế muốn phát biểu trình bày ý kiến ,khẳng định lập trường của mình . Và khi hai người có hai lối nhìn bất đồng, xung đột lẫn nhau, mỗi người tìm cách áp đặt cho người bên kia quan điểm cá nhân của mình . Và người bên kia cũng tìm cách phản ứng một cách máy móc, tự động và bốc đồng, để lôi kéo phần thắng về cho bản thân. Kết quả tất yếu của mọi quan hệ tranh chấp là con đường bạo động trong lời nói và hành vi, tuy dù hai người là vợ chồng, cha mẹ và con cái ,hay là hai người bạn bè cùng nhau chia sẻ một lý tưởng, một dự án hay là một công việc ,
Để có thể tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt ,trong ý hướng bổ túc và kiện toàn cho nhau, tác giả Steph.CoVER đề nghị cho chúng ta con đường gồm có bảy bước đi lên:
* Bước một: Sáng tạo, làm chủ thể thay vì phản ứng một cách mù quáng, máy móc và tự động .
* Bước hai: Cưu mang trong nội tâm một ý hướng rõ rệt: tôi muốn gì? Tôi đi tới đâu? Mục đích tối thượng mà tôi muốn thành tựu là gì?
* Bước ba: Đâu là ưu tiên số một ? Đâu là điều quan trọng bậc nhất trong cuộc đời và quan hệ của tôi với người khác. Phải chăng tôi đang làm người hay là ngợm ?
* Bước bốn: Trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi với bất cứ một ai, điều chủ yếu thứ nhất là lắng nghe để tìm hiểu, thay vì muốn kẻ khác hiểu ý kiến của mình .
* Bước năm: Khi thiết lập quan hệ với bất cứ ai, mục tiêu cần thành đạt là người thắng, tôi thắng, chúng ta cùng thắng với nhau, thay vì tìm cách hạ bệ, bôi nhọ hay là khinh thường kẻ khác cho dù đó là một trẻ em khuyết tật, mồ côi hay là tự bế, baị não, chậm phát triển.
* Bước sáu: Khi sống với ai hay là làm việc với bất cứ người nào, hãy sáng suốt chấp nhận rằng: người ấy đang cần tôi và tôi cần người ấy. Người ấy và tôi nuôi dưỡng sinh thành cho nhau, trên con đường làm người. Tôi và người ấy, tuy dù khác nhau, nhưng đang bổ túc và kiện toàn cho nhau.
* Bước bảy: Ngày ngày mài nhọn, đánh sáng, làm mới lại sáu kỹ năng trên đây. Nhật tân. Nhật nhật tân. Hựu nhật tân. Mỗi ngày đổi mới. Ngày ngày không ngừng đổi mới.
Một cách đặc biệt, khi hai người đang có hai lối nhìn khác biệt, xung khắc và đối kháng lẫn nhau, con đường đi lên hay là con đường làm người trưởng thành bao gồm năm giai đoạn chính yếu như sau:
* Thứ nhất: Tôi phải bắt đầu từ bản thân tôi. Tôi là người đầu tiên cần thay đổi một cách sáng suốt và can đảm, không đợi chờ và đòi hỏi người kia phải thay đổi với tôi, như tôi
* Thứ hai: Đạo đức làm người thúc đẩy tôi hãy lắng nghe người trước mặt, để tìm hiểu họ và giúp họ hay là gợi ý cho họ từ từ đi lên một cách có thứ tự, khi suy luận:
1. Nêu lên sự kiện cụ thể, khách quan và chính xác.
2. Từ sự kiện, nêu lên giả thuyết hay là cách thuyên giải nghĩa là tìm ra ý nghĩa.
3. Sau giả thuyết là kết luận cuối cùng.
4. Sau kết luận là ý định hay là kế hoạch hành động.
* Thứ ba: Khi họ diễn tả xúc động, tôi phản hồi một cách đứng đắn và thích hợp:
1.Gọi tên xúc động đang tạo nên tâm trạng bất an, bất ổn: ” bạn đang sợ, buồn, giận, lo…”
2.Xin họ trả lời những câu hỏi như :” Ai, điều gì, khi nào, ở đâu, cách nào, bao lâu?...”
để môi trường hoá mỗi xúc động của họ.
3.Yêu cầu họ khám phá nhu cầu của mình: Bạn đang cần những điều gì để hoá giải những xúc động tê liệt.
4 Sau hết, xin họ xác định: Ai có thể tạo điều kiện thuận lợi, bằng cách nào… để họ có thể tìm lại an bình nội tâm, vui tươi và năng động ?
Bao lâu người kia chưa cảm thấy mình được nghe và hiểu chúng ta cần phải bổ túc và kiện toàn giai đoạn hai và ba trên đây.
Chúng ta làm như vậy một cách đơn phương, vô điều kiện vì chúng ta cố quyết làm người và thành ngườ. Đó là đạo đức làm người, một tiến trình tu luyện đi từ trong ra ngoài. bắt đầu từ chính chúng ta.
Không có cơ bản đạo đức này, ọi thứ đạo đức khác chỉ là hào nháng, giả hiệu.
* Thứ bốn: Sau khi người kia đã cảm thấy mình được lắng nghe và hiểu, chúng ta mới đề nghị giai đoạn thứ bốn :
“ Sau khi đã lắng nghe và hiểu bạn một cách rốt ráo, tôi mong muốn được trình bày lối nhìn khác biệt của tôi. Tôi có nhu cầu được bạn lắng nghe và hiểu …
Xin bạn phản hồi nghĩa là nói lại cho tôi nghe bạn đã hiểu tôi như thế nào !”
Nếu người kia từ chối, tôi an bình và thanh thản rút lui, không lo buồn và cảm thấy thua thiệt. Tôi đã làm người có ý thức và giá trị. Không ai có thể đánh mất lòng tự tin của tôi .
* Thứ năm: Khi cảm thấy người kia đã nghe và hiểu, chúng ta đề nghị thêm giai đoạn thứ năm
“ Cả hai chúng ta đều phát biểu và trình bày lối nhìn của mình .
Lối nhìn của bạn là : …
Lối nhìn của tôi là : …
* Bây giờ “CHÚNG TA”quyết định thế nào về sự khác biệt ấy một cách có tình và có lý?
* Để phát huy tính người và tình người, chúng ta đi đến kết luận tổng hợp nào?
* Chúng ta đang cùng nhau chia sẻ một lối nhìn nào?
* Giá trị mà chúng ta muốn đeo đuổi, thực hiện là gì?
Kết luận
1. Lắng nghe là một giá trị làm người. Đó là một tiến trình học tập và tu luyện không bao giờ chấm dứt.
2. Lắng nghe để tìm hiểu, không có nghĩa là đồng ý với ý kiến và lập trường của người đối diện.
3. Hai người, cho dù có quan hệ thiết thân và tương kính, vẫn có những lối nhìn khác biệt. Đó là lẽ thường tình, tự nhiên và tất yếu.
4. Nhờ khác biệt, chúng ta bổ túc kiện toàn, làm cho nhau trở thành phong phú, tròn đầy, “ Tương sinh, tương thành”.
5. Lắng nghe ai là “ Nhìn nhận” người ấy có giá trị, có khả năng, có quyền được thương yêu và tôn trọng.
6. Khi lắng nghe ai, tôi đang hiến tặng cho người ấy một món quà cao quý và trọng đại. Món quà ấy là Tình Người. Món quà ấy cũng còn mang tên là Lòng Tự Tin.
“ Anh mắt em là cả một bầu trời,
“Bàn tay em huyền diệu thấu tầng mây,
“Bước chân em gieo hạnh phúc mỗi ngày ,
“ Quả tim Em: nguồn suối không bao giờ cạn vơi”.
Gs. Nguyễn Văn Thành, Lausanne, Thụy Sĩ
Viết tại Sài Gòn Ngày 10- 7 - 2005.